Dịch vụ hỏa táng tại TP. HCM dường như ngày nào cũng quá tải, lãnh đạo TP cho biết, mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong 30 ngày tới là “thử thách lớn”.

F0 tăng cao, “chúng ta thèm một ngày không có Covid-19”
Vào ngày 16/8, lãnh đạo TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong nói rằng trong những ngày qua F0 trong cộng đồng tăng và vượt F0 trong khu phong tỏa: “Tỉ lệ F0 trong cộng đồng tại thành phố đang tăng, chiếm 53% so với tổng số ca mắc, trong khi đó trong khu phong tỏa chiếm 41%. Trước đây, tỉ lệ F0 trong các khu phong tỏa chiếm khoảng 80%”.

Theo Tuổi Trẻ, số liệu từ cổng thông tin COVID-19 từ ngày 14 đến sáng 17/8, số F0 được phát hiện trong cộng đồng tăng mạnh như tại quận 8 (85%), quận 1 (80%), Bình Tân (68%), quận 3, Tân Phú, huyện Bình Chánh….
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Nên nói trên báo Thanh Niên: “Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không có Covid-19 nên phải ráng vượt qua bằng sức của mình”.

Mỗi ngày hơn 200-300 ca tử vong, các nhà đòn quá tải, không biết tương lai ra sao?
Ông Nên cho biết cứ 24 giờ trôi qua, thành phố trung bình có 240 người tử vong do Covid-19, có hàng trăm người bệnh nặng phải thở ô xy, hàng ngàn ca nặng phải hồi sức và hàng ngàn người đang muốn rời thành phố vì nhiều lý do, như sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao.
Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa tại quận Bình Tân dường như quá tải và hiện chỉ nhận hỏa táng những người dân tử vong vì COVID-19.

Theo Tuổi Trẻ, Trung tá Nguyễn Xuân Truyền – phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân, cho biết: “Công suất của trung tâm khoảng 200 ca mỗi ngày nhưng số ca tử vong cao hơn, nên dẫn tới trường hợp việc hỏa táng chậm trễ đôi chút”.

Trung tá Truyền nói thêm: “Bình quân mỗi ngày có khoảng 85 xe chở 395 áo quan chờ thiêu đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Áp lực tại khu vực hiện rất lớn,”
Điều này có nghĩa là với trường hợp tử vong vì Covid-19 nhưng các dịch vụ mai táng (nhà đòn) quá tải không nhận thì lực lượng quân đội thuộc ban chỉ huy quân sự các quận huyện sẽ lo công tác khâm liệm và đưa đi hỏa táng. Được biết lực lượng công nhân tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân TPHCM là khoảng 70 người và phân ca hoạt động 24/24.

Thực trạng quá tải kể trên có thể là nguyên nhân đã dẫn đến việc người ta đưa thi thể F0 ra ngoài địa bàn TP để hỏa táng. Và vụ việc một tài xế xe tải ‘luồng xanh’ trong khoảng thời gian chưa đầy một ngày đã vận chuyển ra khỏi TP HCM 46 thi thể, trong đó có 41 thi thể nhiễm Covid-19 về Bến Tre để “hỏa táng trái phép”.
Theo thông tin điều tra ban đầu xác định tài xế xe tải chở 41 thi thể F0 về Bến Tre hỏa táng lấy thi thể từ các nhà đòn: “Các nhà đòn này được các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM thuê để lo mai táng cho bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên do không xử lý kịp nên các nhà đòn chuyển tài xế chở thi thể người bệnh về Bến Tre để hỏa táng”.
TP HCM dẫn đầu về số ca tử vong trên toàn quốc, F0 thực tế có thể cao gấp 4-5 lần

Vào tuần trước, VTC có phóng sự mô tả Bộ Y tế Việt Nam ước tính ca mắc Covid-19 tại TPHCM có thể cao gấp 4-5 lần so với ghi nhận thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều nhận xét cho rằng, việc thống kê con số tử vong tại Việt Nam luôn bị “né tránh” trong những tường thuật trên truyền thông nhà nước khi các số ca tử vong nhiều và tăng nhanh. Do đó, nhiều người sẽ giật mình, hoặc không tin, hoặc hoài ghi con số hơn 6.400 ca tử vong tại Việt Nam là không tin cậy. (số tử vong ghi nhận đến hết ngày 17/8 trên Bộ Y tế)

Trang Luật khoa Tạp chí bình luận trong bài cuối tuần qua: “Nếu theo dõi thông tin về diễn biến dịch COVID-19 trên các bản tin hàng ngày của VTV trong suốt đợt dịch vừa qua, bạn sẽ thường xuyên được cập nhật thông tin về số ca nhiễm mới, số liều vaccine đã được tiêm, và số bệnh nhân đã khỏi bệnh. Duy chỉ có một thông tin bạn sẽ không bao giờ được nghe: số người tử vong,”.
Nếu chịu khó tìm tòi kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy con số này ở phần thống kê số liệu và lẩn khuất trong các bản tin chi tiết hơn. Phần lớn các tờ báo tuân theo format đưa tin này, đặt con số tử vong đâu đó ở giữa bản tin. Rất hiếm hoi mới nhìn thấy con số tử vong xuất hiện trên tít báo, chỉ hiếm hoi trên TPO hoặc PLO.

Nếu xếp hạng dựa trên số người chết vì COVID-19 trong vòng bảy ngày, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu và thứ 4 trong khu vực châu Á, theo số liệu của Wordometer tính đến ngày 13/8.
Một cách chính thức, tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân là những chỉ số được dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại một quốc gia.

Hai chỉ số này của Việt Nam đều đang thuộc hàng cao trên thế giới. Cụ thể, tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm hiện nay xấp xỉ 2% (cứ 100 người nhiễm thì có 2 người chết), xếp thứ 11 trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong trên 100 nghìn dân là 4,99 (cứ 100 nghìn người thì có 5 người chết vì COVID-19), nằm trong top 20 của thế giới.

Chúng cho thấy hệ thống y tế của Việt Nam đang quá tải.
Ông Đỗ Dzũng nói trong chương trình của trang Nửa Vòng Trái Đất mới đây chia sẻ: “Người ta có thể nói là không giấu [số tử vong], nhưng không để trên trang nhất các báo, phải lần vào trong mấy lớp mới tìm ra thì kiểu để mà không thấy thì cũng chẳng khác gì là giấu”.