Tiếng còi xe cứu thương trong đợt dịch Covid-19 này đã ám ảnh rất nhiều người ở TP.HCM, trong đó có người già, đặc biệt là về ban đêm.

Ngày 5.8, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 khuyến cáo các loại xe cứu thương khi lưu thông trên địa bàn TP.HCM trong đợt dịch Covid-19 này thì không nên hú còi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 5-8, bác sĩ Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 – cho biết sẽ có văn bản tham mưu Sở Y tế TP.HCM về việc khắc phục tình trạng xe cứu thương hú còi vô tội vạ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Theo bác sĩ Long, những ngày bình thường xe cộ lưu thông đông đúc thì xe cứu thương hú còi để kêu gọi báo ưu tiên nhường đường là việc phải làm.
Nhưng trong giai đoạn này, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, đường trống thì xe cứu thương hạn chế hú còi đến mức tối đa, đặc biệt là về ban đêm.
“Bây giờ người dân ở nhà tâm lý lo lắng, đặc biệt là người già. Do đó khi nghe tiếng xe cứu thương thì bị ám ảnh và hình dung những chuyện không hay và bệnh nặng hơn”, bác sĩ Long nói.

Cũng theo bác sĩ Long, hiện các tài xế hệ thống cấp cứu 115 đã được nhắc nhở; Trung tâm cũng khuyến cáo đến các bệnh viện công lập, tư nhân trên địa bàn. Còn những nhóm khác, tài xế xe cứu thương ở tỉnh mới lên TP.HCM thì chưa quen đường nên có thể hú còi cảnh báo từ xa, tuy nhiên, phải rất hạn chế, nhất là về đêm.
Ngoài vấn đề hú còi, theo phản ánh từ lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay có một số xe cấp cứu chạy khá nhanh, thiếu an toàn trong quá trình vận chuyển cấp cứu, thậm chí có một số trường hợp tai nạn nguy hiểm.
“Mục tiêu cuối cùng của cấp cứu là an toàn. Trong khi chưa kịp đưa người bệnh vào bệnh viện đã gây tai nạn thì điều đó là không nên” – bác sĩ Long khuyến cáo.
Theo ông, để hạn chế tình trạng này, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ có biện pháp nhắc nhở tài xế của đơn vị, lực lượng tình nguyện viên được đơn vị điều phối lên các bệnh viện dã chiến và xa hơn là các đơn vị y tế (công lập, tư nhân) thông qua các nhóm mạng lưới cấp cứu ngoại viện.
Đơn vị cũng sẽ có tham mưu với Sở Y tế TP.HCM có biện pháp giám sát, có thể bằng việc chụp hình, trích xuất camera ở các tuyến đường để xử lý các xe cứu thương đường vắng vẫn hú còi và chạy quá tốc độ.
Hiện nay, số lượng xe cứu thương trong hệ thống ngành y tế TP.HCM vào khoảng 230 chiếc. Ngoài ra, TP.HCM trưng dụng hoán cải hàng trăm xe taxi, xe khách 16 chỗ của các doanh nghiệp để phục vụ vận chuyển người bệnh.