Tối 9/8: Thêm 360 ca tử vong, cả nước hơn 3.750 ca tử vong; Người Hà Nội xếp hàng dài xin xác nhận giấy đi đường

Bộ Y tế tối 9/8 cho biết có thêm 360 ca tử vong và 4.185 ca mắc COVID-19, nâng tổng mắc trong ngày lên 9.340 ca. Như vậy, đến nay Việt Nam có 219.745 ca nhiễm và 3.757 ca tử vong.

Thông tin về 360 ca tử vong (3398-3757) mới: tại TP. Hồ Chí Minh (269), Tiền Giang (39), Đồng Nai (38), Long An (3), Thành phố Cần Thơ (2), Bình Định (2), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Thành phố Hà Nội (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1).

Thông tin về 4.185 ca nhiễm mới: 02 ca nhập cảnh và 4.183 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.642), Bình Dương (1.162), Đồng Nai (355), Tiền Giang (251), Tây Ninh (133), Hà Nội (74), Cần Thơ (71), Bà Rịa – Vũng Tàu (65), Đà Nẵng (60); Đồng Tháp (59), Phú Yên (53), Bình Định (45), Bình Thuận (34), Khánh Hòa (33), Lâm Đồng (30), Quảng Ngãi (18), Trà Vinh (15), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (12), Quảng Nam (11), Ninh Bình (10), Thừa Thiên Huế (10), Hải Dương (7), Bình Phước (5), Quảng Bình (3), Đắk Lắk (3), Hậu Giang (3), Thái Bình (2), Kiên Giang (1), Bắc Giang (1) trong đó có 770 ca trong cộng đồng.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 215.813 ca, trong đó có 73.146 bệnh nhân đã hồi phục. Có 02/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn..

Giám đốc BV Việt Đức kêu gọi nhà hảo tâm kiểm tra nguồn gốc khẩu trang trước khi tặng bác sĩ

Ngày 9/8, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua nhiều nhà tài trợ, nhóm hảo tâm đã kêu gọi, quyên góp ủng hộ trang thiết bị bảo hộ tặng các cán bộ y tế để giúp bảo vệ những người trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy rất nhiều khẩu trang nhận từ các nguồn tài trợ không đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, theo Bộ y tế.

Khẩu trang N95. (Ảnh chụp màn hình)

Theo ông Giang, khẩu trang N95 là “lá chắn” quyết định việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng có khả năng nhiều khẩu trang tặng cho các cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng được cung cấp từ những nguồn giả mà họ cũng không biết.

Ông Giang đề nghị: “Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các nhà tài trợ, đơn vị cá nhân từ thiện khi mua trang bị bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang N95 tặng cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 cần tìm hiểu rõ xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, mã nơi sản xuất, đảm bảo trang bị đạt tiêu chuẩn để bảo vệ các thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi chăm sóc điều trị cho người bệnh, góp phần cùng cả nước đẩy lùi và chiến thắng đại dịch”.

Khẩu trang N95 được sản xuất dựa theo tiêu chuẩn chất lượng cao và khắt khe của Viện Quốc gia Hoa Kỳ về An toàn vệ sinh lao động. Cụm từ N95 có nghĩa là khẩu trang với công dụng lọc được 95% hạt bụi mịn, vi khuẩn, virus với kích thước siêu nhỏ chỉ 0.3 micromet trong không khí. Vì vậy, có thể hiểu đơn giản khẩu trang N95 có khả năng lọc không khí tốt hơn so với khẩu trang y tế thông thường.

Người Hà Nội xếp hàng dài xin xác nhận giấy đi đường

Chiều 9/8, theo VnExpress, nhiều người dân đến trụ sở phường trên địa bàn Hà Nội xếp hàng, chờ cả tiếng đồng hồ để xác nhận giấy đi đường theo quy định mới.

Tại cơ quan phường Dịch Vọng Hậu (86, Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy), hai hàng dài người dân xếp hàng chờ xin xác nhận. Ước tính mỗi hàng khoảng 20 người, hai hàng từ 40 đến 50 người. Cán bộ tại trụ sở phường thường xuyên đi lại nhắc nhở “đảm bảo giãn cách”.

Người dân xếp hàng chờ xin giấy xác nhận chiều 9/8. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Tuy nhiên, sau nhiều tiếng chờ đợi, một số người ra về mà chưa xin được xác nhận. Họ cho biết “dù đã đủ thủ tục, giấy tờ nhưng phường chưa cấp xác nhận ngay mà đợi hôm sau mới trả giấy”.

Người dân phải cung cấp giấy xác nhận làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp… để đủ thủ tục xin phường xác nhận. (Ảnh chụp màn hình)

Hôm nay là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện quy định mới siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài giấy đi đường theo mẫu, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

người dân xếp hàng dài để xin xác nhận vào giấy đi đường. (Ảnh chụp màn hình)

Xã, phường, thị trấn ở thủ đô có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giấy đi đường với nguyên tắc “chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn”. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải phối hợp UBND cấp xã nơi đơn vị hoạt động để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường; hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo.

(Ảnh chụp màn hình BGT).

Tp. HCM cho phép nhân viên siêu thị ra đường sau 18h

Ngày 9/8, Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo khẩn về việc điều chỉnh thời gian lưu thông của nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong thời gian thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, theo Tuổi Trẻ.

Theo đó, thành phố đồng ý cho một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18h đến 6h hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

(Ảnh chụp màn hình)

Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan xác nhận danh sách nhân viên được phân công nhiệm vụ; tích hợp danh sách này vào hệ thống trên cổng thông tin của Sở Công Thương nhằm quản lý, truy xuất và đối chiếu khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Các trạm, chốt được yêu cầu đảm bảo lưu thông cho nhân viên thuộc hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo danh sách do Sở Công Thương xác nhận. Từ 26/7, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hàng ngày

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *