Tối 8/8: Cả ngày thêm gần 400 ca tử vong, gần 10.000 ca nhiễm mới; TP. HCM vượt 2.500 ca tử vong; Xe cứu hộ “thông chốt” kiểm soát y tế vào Hà Nội

Bộ Y tế tối 8/8 ghi nhận 147 ca tử vong và 4.994 ca COVID-19 mới, nâng tổng số mắc trong ngày lên 9.690 ca và 381 ca tử vong. Đến nay Việt Nam có tổng cộng 210.405 ca nhiễm và 3.397 ca tử vong, riêng TP. HCM có 2.509 ca tử vong.

Thông tin về 147 ca tử vong (3251-3397) tại 06 tỉnh, thành phố như sau:

  • Thành phố Hồ Chí Minh: 108 ca
  • Tỉnh Bình Dương: 30 ca
  • Tỉnh Long An: 05 ca
  • Tỉnh Cà Mau: 01 ca
  • Tỉnh Đắk Lắk: 01 ca
  • Tỉnh Bình Định: 01 ca
  • Tỉnh Ninh Thuận: 01 ca

Thông tin về 4.949 ca nhiễm mới: trong đó 02 ca nhập cảnh và 4.947 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.002), Bình Dương (1.733), Đồng Nai (224), Khánh Hòa (201), Cần Thơ (71), Đà Nẵng (68), Trà Vinh (67), Ninh Thuận (62), Hà Nội (51), Bình Thuận (46), Đồng Tháp (44); Đắk Lắk (41), Phú Yên (29), Lâm Đồng (21), Bến Tre (20), An Giang (15), Đắk Nông (7), Quảng Nam (6), Hà Tĩnh (5), Quảng Ngãi (5), Bình Phước (5), Cà Mau (4), Thừa Thiên Huế (4), Gia Lai (4), Hải Dương (3), Phú Thọ (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Vĩnh Phúc (1), Quảng Bình (1), Hà Nam (1) trong đó có 881 ca trong cộng đồng.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 206.490 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã hồi phục. Có 02/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Xe cứu hộ “thông chốt” kiểm soát y tế vào Hà Nội

Theo ghi nhận của ĐS&SK ngày 8/8, nhiều phương tiện không thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn có thể “thông chốt” kiểm soát y tế của Hà Nội nhờ… xe cứu hộ giao thông.

(Ảnh chụp màn hình SK&Đs)

Cụ thể, sáng 7/8, xe ô tô mang nhãn hiệu ISUZU (BKS xx269) sau khi lưu thông gần cuối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để qua trạm thu phí vào Hà Nội thì dừng lại bên đường. SÁu đó, một xe cứu hộ khác (BKS xx804) đi đến kéo phương tiện này lên sàn xe.

Chưa hết, một nhóm gần 10 người đứng chờ sẵn ở đường cao tốc lần lượt ngồi vào chiếc xe đang ‘được’ cứu hộ. Khi đến trạm thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chiếc xe cứu hộ đi vào làn xe ưu tiên “luồng xanh” và thẳng tiến vào trung tâm Hà Nội mà không gặp phải bất kỳ kiểm tra nào của các lực lượng làm việc tại chốt kiểm soát. Tại chốt kiểm soát có rất đông cán bộ lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ gồm: CSGT, TTGT, quân đội và y tế.

(Ảnh chụp màn hình SK&Đs)

Dựa theo thông tin trên xe cứu hộ, phóng viên đã gọi điện vào số “đường dây nóng cứu hộ giao thông” để đặt vấn đề muốn đi qua chốt kiểm soát y tế thì nhận được lời khẳng định từ phía cứu hộ răng, họ có thể đưa qua chốt kiểm soát mà không cần “giấy điều động công tác” và “giấy xét nghiệm âm tính”.

Sau đó, bên cứu hộ báo phí từ 2,5 triệu – 3,2 triệu đồng: “Cái này làm được nhưng mạo hiểm nên để qua được phải mất nhiều tiền. Nếu chỉ đi qua chốt kiểm soát ở cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào Hà Nội thì phí 2.500.000 đồng. Nếu vào tận nội thành vì còn qua nhiều chốt kiểm soát khác thì giá sẽ là 3.200.00 đồng.”

Họ còn dặn dò thêm: “Trong quá trình di chuyển các anh cứ ngồi trên xe ô tô được cứu hộ kéo, chúng tôi sẽ cam kết đưa được qua các chốt kiểm soát”.

(Ảnh chụp màn hình SK&Đs)

Không chỉ 1 mình đơn vị này, những ngày qua, phóng viên cũng ghi nhận nhiều trường hợp xe tải có gắn thẻ ưu tiên “luồng xanh” để chở hàng hoá thiết yếu và phương tiện treo biển “hàng cứu trợ” nhưng mục đích để hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với giá cao.