Tối 13/8: Thêm 9.150 ca mới trong ngày, Việt Nam vượt 5.000 ca tử vong; TP. HCM có hơn 2.100 F0 là trẻ em

Bộ Y tế tối 13/8 ghi nhận thêm 275 ca tử vong và 9.150 ca mắc mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm kể từ đầu dịch tới nay tại Việt Nam lên 255.748 ca, trong đó có 5.088 ca tử vong. Riêng TP. HCM hơn 4.000 ca tử vong. TP. HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, dự báo 3.000 F0 mỗi ngày.

Thông tin về 275 ca tử vong (4814-5088) mới: tại TP. Hồ Chí Minh (223), Bình Dương (25), Tiền Giang (, Đồng Tháp (4), Bến Tre (3), Bình Thuận (3), Đồng Nai (3), Long An (3), Khánh Hòa (2 ), Cần Thơ (1).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 13/8 là 5.088 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 52 người tử vong do COVID-19).

Thông tin về 9.180 ca nhiễm mới: 30 ca nhập cảnh, TP. Hồ Chí Minh (3.531), Bình Dương (2.816), Đồng Nai (808), Long An (623), Khánh Hòa (243), Đồng Tháp (152), Cần Thơ (142), Trà Vinh (140), Hà Nội (97), Vĩnh Long (71), Bà Rịa – Vũng Tàu (69), Phú Yên (64), An Giang (61); Tây Ninh (61); Đà Nẵng (58), Thừa Thiên Huế (31), Bình Thuận (28), Gia Lai (18), Đắk Nông (16), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (14), Bình Định (12), Quảng Ngãi (10), Quảng Trị (8 ), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Đắk Lắk (7), Bình Phước (7), Bạc Liêu (5), Hải Dương (4), Quảng Bình (4), Thanh Hóa (4), Lạng Sơn (4), Quảng Nam (4), Hậu Giang (3), Lâm Đồng (2), Nam Định (1), Hưng Yên (1), Cà Mau (1) trong đó có 1.999 ca trong cộng đồng.

Hiện 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (140.539), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) VN ghi nhận 251.753 ca, trong đó có 89.964 bệnh nhân đã hồi phục.

TP. HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, ca tử vong còn nhiều, dự báo 3.000 F0 mỗi ngày

Trưa nay 13/8, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết dự kiến chủ nhật TP Hồ Chí Minh công bố kế hoạch phòng chống COVID-19 trong 30 ngày tới, sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16.

Trong một khu vực hồi sức COVID-19. (Ảnh chụp màn hình BYT)

Theo ông Mãi, dịch trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca dương còn cao, số ca cần điều trị, ca tử vong còn nhiều. Nhu cầu chữa trị quá tải so với năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Vì vậy, nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới phải cố gắng tập trung, ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm số ca chuyển nặng để điều trị thật tốt, giảm tử vong.

Trong một khu vực hồi sức COVID-19. (Ảnh chụp màn hình BYT)

Phó Chủ tịch TPHCM, ông Dương Anh Đức cho hay: “Dự kiến sau ngày 15/8, số lượng F0 trên địa bàn vẫn rất lớn, ở mức 3.000 ca mỗi ngày. Nếu không quyết liệt, mạnh mẽ chống dịch, chúng ta sẽ khó giữ vững thành quả đạt được, thậm chí xấu đi nếu không đồng lòng thực hiện các biện pháp”.

TPHCM sẽ xây dựng những kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch trong giai đoạn tới. Trong đó, kế hoạch của thành phố sẽ chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là từ 15/8 đến cuối tháng 8, giai đoạn 2 là từ cuối tháng 8 đến hết 15/9.

TP HCM hơn 2.100 F0 là trẻ em

Ngày 13/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, thành phố ghi nhận có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm Covid-19.

Theo HCDC, hiện thành phố đang điều trị 32.917 bệnh nhân. Cụ thể, có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.612 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Bệnh nhi tại BV Nhi đồng TP. (Ảnh chụp màn hình)

Theo giới chuyên môn, trẻ em mắc Covid-19 thường ít bị biến chứng nhưng có thể là nguồn lây cho những người khác.

Khi bệnh nhi được ra viện, nhân viên y tế còn hướng dẫn cho các bậc phụ huynh, người nhà bệnh nhi cách chăm sóc bệnh nhi tại nhà, nhận biết những dấu hiệu cần báo bác sĩ ngay.

HCDC thông tin thêm, trong thời gian nghỉ hè không đi học nên trẻ em bị Covid-19 thường là lây từ người lớn. Người lớn cần thực hiện tốt các quy định phòng dịch để hạn chế nguồn lây sang trẻ nhỏ.

.