Bộ Y tế cho biết có thêm 326 ca tử vong và 5.025 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 246.568 ca nhiễm, trong đó có 4.813 ca tử vong. Việt Nam hiện nay đã vượt quá số ca tử vong mà Trung Quốc công bố (4.636 ca). TP. HCM muốn F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch.
Thông tin về 326 ca tử vong (4488-4813) từ ngày 01-12/8 tại TP. Hồ Chí Minh (225), Bình Dương (42), Tiền Giang (20 ca từ ngày 10-11/8), Bà Rịa – Vũng Tàu (19 ca từ ngày 01-12/8), Long An (6), Bến Tre (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (2), Hà Nội (2), Bình Thuận (2).

Thông tin về 5.025 ca nhiễm mới: 11 ca nhập cảnh; Bình Dương (2.117), TP. Hồ Chí Minh (1.523), Đồng Nai (646), Đồng Tháp (123), Cần Thơ (104), Đà Nẵng (78), Hà Nội (76), Trà Vinh (66), Khánh Hòa (42), Phú Yên (31); Bình Thuận (31), Ninh Thuận (24), Lâm Đồng (22), Sóc Trăng (20), Bến Tre (19), Quảng Ngãi (16), Đắk Lắk (15), Gia Lai (9), Hậu Giang (8 ), Hà Tĩnh (7), Đắk Nông (6), Thanh Hóa (6), Thái Bình (6), Bình Phước (6), Quảng Bình (5), Quảng Nam (2), Nam Định (2), Kon Tum (1), Lào Cai (1), Ninh Bình (1), Hải Dương (1) trong đó có 970 ca trong cộng đồng.

Như vậy, Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã hồi phục. Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu.
Thiếu nhân lực trầm trọng, TP. HCM yêu cầu huy động F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch
Ngày 12/8, Chủ tịch TP. HCM, ông Nguyễn Thành Phong, có văn bản khẩn, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, theo Tiền phong.
Theo ông Phong, chậm nhất là đến ngày 13/8 phải có báo cáo về việc vận động, sử dụng các bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng chống dịch, như: Công việc tham gia, chế độ hỗ trợ…

Sở Y tế có trách khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân COVID-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.
Trước đó, TP.HCM cần bổ sung gấp hơn 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch.
Người dân Sài Gòn ở ‘vùng xanh’ chỉ đi chợ 1 lần/tuần
TP.HCM ngày 12/8 vừa ban hành Văn bản về việc bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn. Theo đó, người dân ở “vùng xanh” (vùng không có dịch Covid-19) trên địa bàn TP.HCM chỉ được đi chợ 1 lần/tuần.

Trong 1 tuần này, mỗi hộ gia đình sẽ có 1 thẻ, phiếu đi chợ ghi rõ địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm.
Trong trường hợp khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn về y tế thì thực hiện mô hình đi chợ giúp, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.

Điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó; các điểm cung ứng được bố trí bên trong các khu vực “vùng xanh”, hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra đường và tránh việc người vãng lai ghé mua hàng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Đồng Nai cần gấp 1.500 nhân viên y tế cho kịch bản 30.000 ca F0
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc CDC Đồng Nai, cho biết để ứng phó với kịch bản 20.000-30.000 ca F0, tỉnh Đồng Nai cần thêm khoảng 1.500 nhân viên y tế, trong đó có cả bác sĩ ở tuyến đầu điều trị, theo Thanh Niên.
Ngày 11/8, tỉnh Đồng Nai có công văn khẩn gửi Bộ GD-ĐT, Giám đốc ĐH Huế và Hiệu trưởng trường ĐH Y dược thuộc ĐH Huế chi viện 300 sinh viên hỗ trợ.

Tỉnh này đã huy động mọi lực lượng, kể cả y tế tư nhân, y tế học đường, y tế doanh nghiệp, y bác sĩ nghỉ hưu và nhân lực của “vùng xanh” ở các huyện như Tân Phú, Định Quán chi viện cho “vùng đỏ” là TP.Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch…
Tuy nhiên, Đồng Nai cần thêm sự chi viện tổng lực của lực lượng y tế bên ngoài.