Bộ Y tế tối 11/8 ghi nhận thêm 342 ca tử vong và 3.964 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm ở Việt Nam lên 236.901 ca, trong đó có 4.487 ca tử vong. Riêng TP. HCM có 3.582 ca tử vong, cao nhất cả nước.
Thông tin về 342 ca tử vong (4146-4487): tại TP. Hồ Chí Minh (261), Cần Thơ (24), Bình Dương (22), Đồng Nai (11), Đồng Tháp (10), Long An (10), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1).
Thông tin về 3.964 ca nhiễm mới: 04 ca nhập cảnh; TP. Hồ Chí Minh (1.288), Bình Dương (961), Đồng Nai (551), Long An (448), Đồng Tháp (176), Cần Thơ (103), Bà Rịa – Vũng Tàu (79), Khánh Hòa (61);
Đà Nẵng (56), Bình Thuận (41), An Giang (39), Hà Nội (37), Phú Yên (33), Bình Phước (19), Ninh Thuận (19), Nghệ An (14), Thanh Hóa (13), Quảng Ngãi (5), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Hà Tĩnh (2), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Thừa Thiên Huế (1), Quảng Trị (1), Cà Mau (1) trong đó có 651 ca trong cộng đồng.

Như vậy, Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 232.950 ca, trong đó có 82.380 bệnh nhân đã hồi phục. 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Hơn 1.500 F0 ở TP. HCM đang thở máy, hơn 12.600 F0 cách ly tại nhà
Ngày 11/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đã có hơn 132.900 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3.582 ca tử vong.
Theo Tiền Phong, Các bệnh viện trên địa bàn thành phố hiện đang điều trị cho 31.885 bệnh nhân, trong đó có 1.504 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 12.613 người. Số trường hợp F1 được cách ly tại nhà là 10.552 người.

Sau khi áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng F1, F0 và cách ly tập trung F0 tại quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, ngành y tế đang từng bước giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh tại TPHCM vẫn còn rất phức tạp, trong ngày đã có thêm 2 cụm dịch mới được phát hiện. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 27 cụm dịch đang diễn tiến cơ bản đã khoanh vùng, giám sát được nguy cơ.

Sở Y tế TPHCM cho biết, đợt bùng phát COVID-19 kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay đã khiến lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch rơi vào tình trạng quá tải, nhu cầu nhân sự y tế đang cần được tăng cường. Công tác dự phòng điều trị cũng đang quá tải, quy trình tiếp nhận và điều trị các ca F0 có triệu chứng, bệnh nặng có lúc chưa kịp thời.
Bệnh viện TPHCM không nhận, lái xe chở F0 phải ‘thông chốt’ vào Bà Rịa-Vũng Tàu
Ngày 11/8, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin về việc, tài xế một phòng khám đa khoa ở TPHCM chở bệnh nhân Covid-19 “thông chốt” vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do một bệnh viện ở Thủ Đức ko tiếp nhận F0 này, theo Tiền Phong.
Trước đó, khoảng 14h40 ngày 10/8, lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch trên quốc lộ 51, thị xã Phú Mỹ phát hiện xe cấp cứu mang biển số 51B-323.82 của Phòng khám đa khoa Anh Dũng (quận 12, TPHCM) lưu thông hướng từ Đồng Nai đi Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khi lực lượng làm nhiệm vụ ra hiệu lệnh từ xa để dừng phương tiện kiểm tra, Ngọc không chấp hành mà điều khiển xe vượt chốt. Hai cán bộ phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải truy đuổi, buộc lái dừng xe cấp cứu, quay lại chốt kiểm dịch để làm việc.
Lúc này trên xe còn có 2 người khác, có 1 người dương tính với Covid-19. Lái xe cho biết, do 1 bệnh viện ở TP.Thủ Đức, TPHCM không tiếp nhận người nhiễm Covid-19 nên lái xe này đã điều khiển xe cấp cứu đưa người này về hướng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau đó đã đưa F0 đi bệnh viện điều trị, đưa lái xe đi cách ly tập trung.