Tối 10/8: Thêm gần 400 ca tử vong, Cả nước vượt 4.100 ca tử vong; Việt Nam thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên từ thảo dược

Bộ Y tế tối 10/8 ghi nhận thêm 388 ca tử vong và 3.241 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước tư đầu dịch đến nay 228.135 là ca, trong đó có 4.145 ca tử vong. Riêng TP. HCM đã có tới 3.321 ca tử vong, chiếm hơn 80% số ca tử vong cả nước. Số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội vẫn duy trì ở mức đáng lo ngại.

Thông tin về 388 ca tử vong (3758-4145) mới: tại TP. Hồ Chí Minh (308), Bình Dương (44), Long An (10), Đồng Tháp (5), Cần Thơ (4), Đồng Nai (4), TP Hà Nội (3), Tiền Giang (3), Bến Tre (2), Sóc Trăng (2), Đà Nẵng (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1).

Thông tin về 3.241 ca nhiễm mới tối 10/8: TP. Hồ Chí Minh (1.466), Long An (577), Đồng Nai (378), Nghệ An (128), Đồng Tháp (88), Cần Thơ (83), Đà Nẵng (74), Bình Thuận (63), Hà Nội (60), Bến Tre (49), Gia Lai (37), Đắk Lắk (36), Ninh Thuận (29), Phú Yên (24); Sóc Trăng (21), Lâm Đồng (18), Đắk Nông (17), Hà Tĩnh (15), Lào Cai (12), Hậu Giang (11), Quảng Ngãi (11), Quảng Nam (8 ), Trà Vinh (8 ), Hải Dương (7), Thừa Thiên Huế (5), Thái Bình (4), Bạc Liêu (3), Kiên Giang (3), Sơn La (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Quảng Bình (1) trong đó có 453 ca trong cộng đồng.

Như vậy, Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 224.198 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã hồi phục. 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn. 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Việt Nam thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên từ thảo dược, thời gian 2-3 tháng

Sáng 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị COVID-19. Theo đó, Hội đồng Đạo đức quốc gia đánh giá cao và chấp nhận đưa sản phẩm vào thử nghiệm lâm sàng trên người nhiễm Covid-19. Thời gian thử nghiệm lâm sàng thuốc VipderVir sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng.

Thử nghiệm tiền lâm sàng thuốc VipderVir cho thấy khả năng ức chế phát triển của virus corona. (Ảnh chụp màn hình BYT)

Theo Bộ y tế, PGS.TS Lê Quang Huấn, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Công nghệ sinh học, tác giả của nghiên cứu của thuốc VipderVir cho biết, chế phẩm thuốc điều trị COVID-19 từ thảo dược có tác dụng liên kết mạnh với các phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus corona.

Theo ông Huấn, loại thuốc này sẽ ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ. Từ đó ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào (đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ). Đồng thời, sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.

Sản phẩm đã được đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn tại Bộ môn Dược lý tại Đại học Y Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus corona tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Bệnh nhân COVID-19. (ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân COVID-19 với thuốc VipderVir. Hy vọng thuốc sẽ có đáp ứng tốt trong quá trình thử nghiệm và được cấp phép cho điều trị COVID-19 kịp thời góp phần phòng và điều trị bệnh COVID-19.

Hiện Bộ Y tế đang chỉ định cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Đức Giang tham gia tuyển đối tượng nghiên cứu. Hội đồng Đạo đức Quốc gia đã đánh giá tính an toàn trên người tình nguyện khi sản phẩm sử dụng thảo dược nên cho phép triển khai ngay giai đoạn 2, 3 trên đối tượng đích là bệnh nhân.

Giai đoạn 2 sẽ triển khai thử nghiệm trên 60 đối tượng để dò liều tối ưu, chỉ định liều thuốc điều trị. Kết thúc giai đoạn 2, sau khi đánh giá an toàn, khả năng giảm tải lượng virus của các liều và chọn liều tối ưu, Hội đồng Đạo đức Quốc gia cho phép chuyển sang giai đoạn 3 với khoảng 200 người để đánh giá so sánh giữa 2 nhóm. Dự kiến thời gian thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng, kỳ vọng vào cuối năm nay thuốc VipderVir sẽ được cấp phép lưu hành.

Không quân Mỹ vận chuyển 77 tủ đông trữ vaccine đến Việt Nam

Phi đội Contracting Squadron thứ 36 của Căn cứ không quân Mỹ Andersen trên đảo Guam hôm nay 10/8 thông báo, vừa hoàn tất hợp đồng trị giá 691.000 USD để viện trợ cho Việt Nam 77 tủ đông âm sâu bảo quản vaccine Covid-19, theo Vietnamnet.

Theo đó, số tủ đông âm sâu này sẽ được phân cho 63 tỉnh thành của Việt Nam và 14 tủ đông cỡ lớn hơn cấp cho Bộ Y tế nhằm bảo quản 31 triệu liều vaccine Pfizer dự kiến được chuyển đến Việt Nam vào ngày 30/8.

Sĩ quan Christian Luevano tại Căn cứ Không quân Andersen. (Ảnh chụp màn hình)

Trong thông cáo, sĩ quan Christian Luevano – đại diện phi đội Contracting Squadron 36 – nhấn mạnh: “Việc này thể hiện cam kết của Mỹ đối với sức khỏe và sự an toàn của người dân Việt Nam bằng cách cung cấp cứu trợ nhân đạo trong đại dịch Covid-19”.

Theo ông Luevano, thông thường một giao dịch thiết bị với số lượng như trên mất khoảng 45-120 ngày để điều phối và xử lý. Tuy nhiên vị sĩ quan cho biết, nhóm của ông đã làm việc cả đêm và cuối tuần để hoàn tất hợp đồng chỉ trong vòng hai tuần.