Bộ Y tế sáng 6/8 ghi nhận thêm 4.009 ca mắc COVID-19 mới. tổng số mắc trong ngày 5/8 là 7.244 ca và 393 ca tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới: tại TP. Hồ Chí Minh (2.563), Bình Dương (322), Long An (286), Tiền Giang (253), Đồng Nai (207), Đà Nẵng (77); Vĩnh Long (63), Đồng Tháp (53), An Giang (47), Trà Vinh (34), Phú Yên (27), Bình Định (19), Kiên Giang (17), Gia Lai (14), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (4), Thanh Hóa (4), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (2), Lào Cai (2), Quảng Trị (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Hà Nội (1) trong đó có 823 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 06/8, Việt Nam có 189.066 ca nhiễm, trong đó có 2.720 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 185.162 ca, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã hồi phục.
Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình.
Hơn 2.000 F0 ở TP HCM phải hỗ trợ hô hấp
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng ngày 5/8 cho biết, có 2.070 bệnh nhân Covid-19 cần được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca nặng, trong số hơn 33.300 F0 đang điều trị tại các bệnh viện TP HCM. Trong số 1.331 bệnh nhân nặng, có 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca can thiệp ECMO. Số ca tử vong tại TPHCM tính đến nay là 2.105 (tỷ lệ 1,94%).

Theo ông Hưng, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0, tại TP Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng một trong mô hình điều trị tháp 5 tầng, với 53.617 giường.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM trong ngày 5/8 đã gửi văn bản hỏa tốc, đề nghị các bệnh viện không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính Covid-19 mới tiếp nhận bệnh. Tùy tình trạng người bệnh mà bệnh viện quyết định việc tiếp tục điều trị hay cần chuyển tuyến, theo VnExpress.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
Lô Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên đã về Việt Nam
Tối 5/8, lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên do Vingroup mua đã về đến Việt Nam. Ngày 6/8, Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng Hội đồng chuyên môn sẽ tiến hành họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tập đoàn Vingroup tối 5/8 cho biết, đã có lô đầu tiên thuốc Remdesivir đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất – TP Hồ Chí Minh. Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020.
Lô hàng gồm 5 kiện với trọng lượng 711kg, và hiện lưu tại kho hàng hóa ở Tân Sơn Nhất. Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100.000 lọ nữa về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho bệnh nhân nặng.

Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thí điểm cách ly F1 tại nhà
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà, bắt đầu áp dụng từ 0h ngày 10/8.

Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ áp dụng thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với 7 nhóm đối tượng gồm: Trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi là người tiếp xúc gần với các trường hợp F0, nhưng không có người chăm sóc, phải ở cùng cha hoặc mẹ;
Cha hoặc mẹ là F1 nhưng là người giám hộ duy nhất chăm sóc con là trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi; Người tiếp xúc gần là phụ nữ có thai, người già từ 70 tuổi trở lên (hoặc từ 65 tuổi trở lên có bệnh nền), người khuyết tật, trẻ em, người bị bệnh hoặc người có sức khoẻ yếu phải có người chăm sóc.