Sáng 10/8: Thêm 5.149 ca mới; Hà Nội cấp giấy đi đường trong đêm; TP HCM muốn chia sẻ 5 triệu liều vaccine Trung Quốc

Bộ Y tế sáng 10/8 ghi nhận thêm 5.149 ca mắc COVID-19 mới tại THCM và 22 địa phương khác. Trong ngày 9/8 có 9.340 ca mới và 360 ca tử vong. Từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 224.894 ca nhiễm trong đó có 3.757 ca tử vong.

Thông tin về 5.149 ca nhiễm mới: 05 ca nhập cảnh và 5.144 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.490), Bình Dương (1.325), Đồng Nai (354), Long An (313), Bà Rịa – Vũng Tàu (109), Tây Ninh (102), Tiền Giang (100), Bến Tre (58); An Giang (53), Vĩnh Long (52), Sóc Trăng (43), Ninh Thuận (32), Kiên Giang (26), Cần Thơ (23), Đắk Lắk (19), Phú Yên (13), Đồng Tháp (13), Hậu Giang (8 ), Gia Lai (6), Cà Mau (2), Hải Dương (1), Bạc Liêu (1), Hà Nội (1) trong đó có 662 ca trong cộng đồng.

Như vậy, Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 220.957 ca, trong đó có 73.146 bệnh nhân đã hồi phục. Có 02/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng triển khai giai đoạn 2 với 700 giường bệnh để kịp thời tiếp nhận, điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Từ ngày 07-12/8/2021, tỉnh Quảng Ninh tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 diện rộng đối với tất cả người lao động, công nhân các công trường xây dựng (kể cả các công trình xây dựng nhà dân), người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Ngày 09/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Dã chiến số 4 với qui mô 3.000 giường.

TP. Cần Thơ thành lập thêm hai bệnh viện dã chiến trực thuộc Sở Y tế: Bệnh viện Dã chiến số 4 (đặt tại Trung đoàn 932, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) với quy mô 400 giường và Bệnh viện Dã chiến số 5 (đặt tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều) với quy mô 250 giường.  Tính đến thời điểm này, Cần Thơ có 13 bệnh viện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó, có 9 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 2.400 giường.

Hà Nội xét nghiệm cho 300.000 người, cấp giấy đi đường trong đêm

Sở Y tế Hà Nội ngày 9/8 cho biết, thành phố chuẩn bị triển khai lấy 300.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 cho đối tượng nguy cơ cao và khu vực nguy cơ cao tại 30 quận, huyện, thị xã. Dự kiến, thời gian thực hiện trong 7 ngày (từ 10 đến 17/8).

Hà Nội sẽ xét nghiệm 300.000 người. (Ảnh minh họa)

Đối tượng lấy mẫu bao gồm: Người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao… Người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…

Việc lựa chọn đối tượng đối với khu vực nguy cơ, lấy mẫu gọn theo khu vực địa lý, theo thôn, xóm, tổ dân phố, theo hộ gia đình, cửa hàng, nhà trọ liền kề, phòng trọ, công ty, cơ quan, xí nghiệp…

Riêng đối với 11 quận, huyện: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Xuân, Hà Đông, Tây Hồ và Ba Đình sẽ triển khai lấy mẫu tại các xã, phường đang ghi nhận các chùm ca bệnh.

Cấp giấy đi đường trong đêm ở Hà Nội

Một phường ở Hà Nội cấp giấy đi đường trong đêm. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Gần nửa đêm 9/8, nhiều người vẫn xếp hàng chờ đến lượt xin dấu xác nhận giấy thông hành ở địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm. 21h, trụ sở UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng vẫn sáng đèn, khoảng 20 người xếp hàng chờ làm thủ tục xác nhận giấy đi đường.

Tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân lúc 19h, cán bộ tư pháp vẫn tiếp nhận hồ sơ xác nhận đi đường. Phường cử một đội xác minh liên hệ với các đơn vị đã gửi hồ sơ. Trong ngày 9/8, chính quyền phường đã cấp giấy xác nhận đi đường cho 20 đơn vị với hơn 200 người. Hết giờ làm việc buổi chiều, tại trụ sở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm vẫn còn đại diện hàng chục doanh nghiệp xếp hàng gửi hồ sơ.

Quy định mới giấy đi đường nhiều bất cập. (Ảnh chụp màn hình vietnamnet)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu ra 3 bất cập của quy định mới:

Thứ nhất quy định ban hành cuối tuần, không có hướng dẫn cụ thể khiến người dân có cách hiểu khác nhau.
Thứ hai, việc soát xét giấy tờ gây ùn ứ người ở chốt, mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội.
Cuối cùng, việc một số cơ quan phải có xác nhận của cả chính quyền phường dẫn tới việc tập trung đông người ở trụ sở phường, xã.

TP HCM muốn chia sẻ 5 triệu liều vaccine Sinopharm với các địa phương

Chính quyền TP HCM ngày 9/8 đề nghị Bộ Y tế cho thành phố san sẻ 5 triệu liều vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm với một số tỉnh, thành có nhu cầu, theo VnExpress.

Trước đó, hôm 31/7 TP HCM đã tiếp nhận một triệu liều vaccine Vero Cell do nhà tài trợ tặng trong tổng số 5 triệu liều đã cam kết với chính quyền thành phố. TP HCM là địa phương đầu tiên nhập vaccine sau khi được Chính phủ cho phép.

(Ảnh minh họa)

Trong công văn gửi Bộ Y tế, TP HCM cho hay toàn bộ lô vaccine Vero Cell được nhà tài trợ tặng để tiêm cho người dân thành phố. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong khi lượng vaccine chưa đáp ứng kịp. Do đó, Bộ Y tế cho phép thành phố được san sẻ với một số tỉnh, thành có nhu cầu bằng hình thức phù hợp để phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, TP HCM đề nghị Bộ Y tế xem xét ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất vaccine giống như các lô vaccine nhập về Việt Nam.