Muốn Trung Quốc theo đuổi “sự thịnh vượng chung”, tài sản được chia sẻ công bằng cho người dân, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi giới nhà giàu nước này ‘trả lại của cải cho xã hội’.
TQ muốn theo đuổi sự ‘thịnh vượng chung’
Tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính & Kinh tế của chính quyền Trung Quốc ngày 17/8, ông Tập Cận Bình nói rằng, chính phủ phải thành lập một hệ thống để tái phân bổ của cải vì lợi ích “công bằng xã hội”. Do đó, cần điều tiết một cách hợp lý những nguồn thu nhập quá cao và “khuyến khích doanh nghiệp, người có thu nhập cao trả lại nhiều hơn cho xã hội”, tờ Xinhua đăng tải.
Theo đó, các cam kết đã được đưa ra để điều chỉnh thu nhập quá cao và khuyến khích người giàu “trả lại của cải cho xã hội”.
Bài viết của Xinhua không đề cập chi tiết cách thức đạt được mục tiêu tái phân bổ của cải, nhưng gợi ý rằng, chính phủ Trung Quốc có thể xem xét vấn đề thuế hoặc các biện pháp khác để tái phân bổ thu nhập và của cải.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết “tăng cường quản lý và điều chỉnh thu nhập cao, bảo vệ các thu nhập hợp pháp, điều chỉnh hợp lý thu nhập quá mức và khuyến khích các nhóm thu nhập cao, các doanh nghiệp trả lại cho xã hội nhiều hơn”
Bloomberg giải thích thông điệp ‘người giàu nên trả lại cho xã hội’ của ông Tập
Hãng tin Bloomberg bình luận rằng, nỗ lực tạo ra “thịnh vượng chung” có thể đồng thời tạo ra áp lực lên giới siêu giàu và các doanh nghiệp Trung Quốc.
Dẫn lời các nhà kinh tế học nước ngoài, Bloomberg cho rằng phát biểu của ông Tập là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đang tiến gần hơn tới việc áp một loạt loại thuế lên người giàu, chẳng hạn như thuế bất động sản, thuế thừa kế…

Trung Quốc đã thử nghiệm đánh thuế lên các bất động sản là nhà ở tại Thượng Hải và Trùng Khánh kể từ năm 2011. Carol Liao, người chuyên nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Công ty Pimco Asia, cho rằng thuế đánh lên lợi tức cũng có thể là một lựa chọn cho các nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Bất bình đẳng gia tăng
Theo CNN, trong khi khu vực kinh tế tư nhân và khối của cải ở Trung Quốc bùng nổ, khoảng cách giàu-nghèo, nông thôn-thành thị ở Trung Quốc rộng ra đáng kể. Vấn đề này dường như khiến ông Tập bực bội.
Tại cuộc họp hôm 17/8, ông Tập công nhận rằng, ĐCS Trung Quốc “từng cho phép một số người, một số khu vực làm giàu trước” theo mô hình cải cách kinh tế những năm 1970.
Các cơ quan quản lý đổ lỗi cho khu vực tư nhân tạo ra các vấn đề kinh tế-xã hội có thể gây mất ổn định xã hội. Việc siết quản lý doanh nghiệp tư nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Người ta cũng lo cho triển vọng đổi mới sáng tạo và tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Bất bình đẳng thu nhập giữa 1,4 tỷ người của Trung Quốc đã gia tăng trong vài thập kỷ qua. 10% dân số hàng đầu kiếm được 41% thu nhập quốc dân vào năm 2015, tăng từ 27% vào năm 1978, theo ước tính được công bố vào năm 2019 bởi giáo sư Thomas Piketty và một nhóm nghiên cứu của Trường Kinh tế Paris.
Tuy nhiên, một nửa dân số có thu nhập thấp hơn đã chứng kiến tỷ trọng thu nhập quốc dân của họ giảm xuống còn khoảng 15%, giảm từ khoảng 27% vào năm 1978.
Kinh tế Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu suy yếu. Số liệu được công bố đầu tuần này cho thấy sự hồi phục kinh tế đang chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc tăng lên mức cao nhất. Các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng chậm lại là do nhiều yếu tố, bao gồm biến thể Delta lây lan nhanh, thiên tai, nguy cơ nợ gia tăng, nhà đầu tư lo lắng về điều chỉnh chính sách…