Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận lời mời của Indonesia tham gia cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm G20, nhưng các chi tiết vẫn đang được xác định cụ thể, phụ tá tổng thống Yury Ushakov nói với báo chí hôm thứ 27/6.
Trong khi nhiều lãnh đạo phương Tây đã đề nghị nước chủ nhà của hội nghị G20 – Indonesia – loại Nga ra khỏi sự kiện, thì Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết tâm mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới cuộc họp tháng 11 tới ở Bali.
Trả lời báo giới ngày 27/6, Trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov xác nhận ông Putin sẽ tham gia họp thượng đỉnh G20, nhưng chưa rõ lãnh đạo Nga sẽ họp trực tiếp hay trực tuyến. “Tôi hy vọng tình hình đại dịch sẽ ổn định để diễn đàn quan trọng này được tổ chức trực tiếp, nhưng tôi không thể đoán trước được”, ông Ushakov nói.

Thái độ của Phương Tây trước việc Nga tham dự hội nghị
Hội nghị thượng đỉnh G20 quy tụ các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ tham dự cùng với các nguyên thủ quốc gia châu Âu và một số tổ chức quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 đã kêu gọi Tổng thống Indonesia Widodo loại Tổng thống Nga Putin khỏi cuộc họp năm nay. Tuy nhiên, ông Widodo từ chối tham gia chiến dịch gây sức ép và vẫn gửi lời mời đến ông Putin như kế hoạch. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Bali vào tháng 11.
Về phía Châu Âu, Bà Ursula von der Leyen chủ tịch EU, đã từ chối tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G20 nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia. Đồng thời bà nói rằng, G20 quá quan trọng để có thể bị tê liệt do một cuộc tẩy chay. Bà lưu ý rằng sẽ không còn có thể tiến hành công việc với Nga như bình thường.
Thái độ của Indonesia với cuộc chiến của Nga

Mặc dù là một đối tác có quan hệ khá thân thiết với Hoa Kỳ, nhưng Indonesia đã nói rõ rằng họ không có kế hoạch trừng phạt Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng các biện pháp trừng phạt “không phải là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề” vì “người dân thường sẽ là nạn nhân”. Widodo cũng nói, “Ukraine và Nga là bạn của Indonesia.” Vì vậy, về cơ bản, Indonesia đang chơi trung lập, bất chấp áp lực trừng phạt của Biden.
Giới phân tích cho rằng chính quyền Indonesia có rất nhiều lý do để lựa chọn cho mình thái độ trung lập.
Thứ 1, Indonesia đang có tranh chấp gay gắt về chủ quyền đối với quần đảo Natuna. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực gần quần đảo Natuna, bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Indonesia là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Indonesia. Vì vậy, Indonesia mặc nhiên coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình.
Quần đảo Natuna là nơi có trữ lượng dầu khí lớn, và chính quyền Indonesia đã hợp tác với Nga để tiến hành khai thác tài nguyên xung quanh quần đảo này. Sự hiện diện của Nga là một đảm bảo cho việc thực hiện quyền chủ quyền của Indonesia trong khu vực, trước sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Thứ 2, dư luận Indonesia ủng hộ Moscow. Tờ AL JAZEERA đã phân tích về việc tại sao người dân Indonesia lại có thái độ như vậy. Họ ví von một câu chuyện mô tả Nga là một người chồng nghiêm túc, Ukraine lại là một người vợ cũ lẳng lơ chạy theo anh chàng Mỹ to con. Về cơ bản, đây là câu chuyện biện minh cho Putin. Tất nhiên, Widodo không có quan điểm cứng rắn như vậy nhưng ông cũng không lên án Nga. Vì ông không thể đi ngược lại với lòng dân, điều đó có thể khiến ông ấy thất bại. Cho nên ông giữ thái độ đó để thoả mãn tâm lý người dân.
Thứ 3, Nga không phải là kẻ thù của Indonesia, nhưng Trung Quốc lại là kẻ thù chính của họ. Indonesia sẽ cần Nga giúp đỡ để nước này có thể chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Cho nên, việc chống Nga rõ ràng không có lợi ích gì đối với Indonesia.
Do đó, Indonesia đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng – Chúng tôi sẽ không lên án ai. Chúng tôi sẽ không trừng phạt ai. Và chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối Trung Quốc, cho dù thế nào đi nữa.