Cuộc chiến ‘sinh tử’ của gần 600 sản phụ F0: Cứu cả hai hoặc mất cả hai

Không khí tại một bệnh viên có gần 600 sản phụ là F0 lúc nào cũng hối hả. Các y bác sĩ phải bước vào “cuộc chiến” thật sự để giành giật sự sống cho cả mẹ và bé.

Một cơ thể – hai sinh mạng tại tòa nhà Cát Tường

Tại khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) lúc nào cũng có tiếng phân công kíp mổ, gọi oxy cấp cứu… Trưng dụng tòa nhà Cát Tường làm nơi đón các sản phụ F0, Bệnh viện Hùng Vương như gửi đến các bà mẹ, em bé lời cầu nguyện may mắn ngay từ phút đầu tiên nhập viện.

“Thiên thần” được các bác sĩ phẫu thuật lấy từ bụng mẹ F0. (Ảnh chụp màn hình TTO)

Theo Tuổi Trẻ, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương) nói: “Nếu bệnh nhân Covid-19 là 1 sinh mạng, thì sản phụ Covid-19 họ mang tới 2 sinh mạng. Cứu là chúng tôi được cả 2, nhưng mất thì có thể mất tất cả…”.

Rất khác với hình ảnh của những khoa phụ sản thông thường với những ông chồng đưa vợ đi sinh, với những bà mẹ tay xách nách mang lo lắng cho con gái, cho cháu ngoại, cháu nội, với những người mẹ ôm ấp bé sơ sinh không rời…, nơi đây chỉ có các sản phụ một mình với cuộc vật lộn sinh tử để giữ lấy nhịp thở, một mình với cuộc vượt cạn banh da xẻ thịt.

(Ảnh chụp màn hình TTO)

Thở vốn đã là một khó khăn với sản phụ trong những ngày cuối thai kỳ, huống chi đây lại là những bệnh nhân COVID-19. Trong phòng dành cho các sản phụ F0 không có triệu chứng, các mẹ nằm nghiêng tập thở. Phòng triệu chứng nhẹ, mỗi mẹ gắn với chiếc bình oxy, có người phải gắn thêm bong bóng. Phòng bệnh nặng, mỗi người gắn chặt vào chiếc máy thở xâm lấn, monitor theo dõi chớp nháy, báo động liên hồi…

Thay thế những người thân, các y bác sĩ, nữ hộ sinh, tình nguyện viên ra vào tấp nập quanh những chiếc giường. Đo chỉ số oxy cho người này, đặt mặt nạ thở cho người kia, động viên người nọ: “Nào, thở đều nhé. Một. Hai. Ba. Bốn…”, sơ Tuyết – một tình nguyện viên – kiên nhẫn đếm bên cạnh giường một sản phụ đang ôm chiếc bong bóng lớn bên máy tạo oxy.

Mới khỏe đó, các sản phụ chuyển biến bệnh rất nhanh nên bác sĩ luôn theo dõi 24/24 giờ. (Ảnh chụp màn hình)

Những bà mẹ hạnh phúc nhất ở đây là những người không phải gắn vào bình oxy hay máy thở. Nằm yên trên giường, họ dán mắt vào màn hình điện thoại. Trên đó là hình ảnh em bé may mắn được bác sĩ chụp giúp trước khi chuyển sang khoa nhi. Trên đó là cuộc hội thoại với chồng, với mẹ, với con đang nóng lòng sốt ruột ở nhà hay ở một khu cách ly nào đó.

Chỉ có tiếng khóc của em bé chào đời chốc chốc lại vọng ra từ phòng mổ, từ lồng oxy chờ chuyển khoa, mới làm tan đi những căng thẳng…

Cứu mẹ hay cứu con?

Với người mắc Covid-19, có một tỉ lệ người bệnh diễn tiến rất nhanh khiến các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra quyết định đầy khó khăn, ưu tiên cứu mẹ hay cứu con? Tuy nhiên, dù buộc phải đưa ra lựa chọn nào thì đội ngũ y bác sĩ cũng sẽ có phương án tốt nhất để có thể cứu được cả mẹ và con.

Khi thai nhi trên 37 tuần, nếu tình trạng sản phụ bắt đầu “có vấn đề” thì các bác sĩ sẽ chủ động chấm dứt thai kỳ để tránh rủi ro cho mẹ và bé. Bởi nếu không, khi tình trạng sản phụ mắc Covid-19 diễn tiến nặng sẽ dẫn đến thiếu oxy ở mẹ, từ đó dẫn đến thiếu oxy ở thai nhi khiến suy thai cấp hoặc mất tim thai. Trong trường hợp thai chưa đủ trưởng thành, khi sản phụ được tiên lượng nặng, tùy vào tuổi thai mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp.

(Ảnh chụp màn hình)

Chị Tuyết Hồng chia sẻ nỗi bàng hoàng của mình trước khi lên bàn mổ: “Tôi nhớ rất rõ lúc đó, vừa vào bệnh viện khám thai, xét nghiệm nhanh thì phát hiện dương tính, chỉ biết khóc nức nở theo bác sĩ đi cách ly. Đến nay tròn ba ngày rồi. Nhờ y bác sĩ, tinh thần tôi đã thoải mái điều trị bệnh để giữ em bé ổn định”.

(Ảnh chụp màn hình TTO)

Nhưng rồi chị cũng phải chụp mặt nạ trợ thở trong suốt ca mổ. Êkip mổ hết sức cẩn thận trong mọi động tác, bắt đầu từ khâu gây tê. Mọi người đều nín thở khi đường dao đầu tiên rạch xuống. Em bé của chị Hồng lần này là con thứ ba, nhưng em vẫn rất to khỏe. Hai bác sĩ phải sử dụng thêm panh mới đưa được bé ra ngoài. Tiếng khóc rất khỏe vang lên. Người mẹ đang thở oxy rớm nước mắt.

Ảnh chụp màn hình

Đưa bé đến cho mẹ xem chỉ vài giây, cô điều dưỡng vội mang bé sang phòng khác. Bác sĩ Lê Huy Bình cho biết: “Em bé sau khi ra khỏi bụng mẹ, nếu mẹ khỏe mạnh sẽ được nhìn con, đặt con lên ngực, da kề da một vài phút để được an tâm. Nhưng với các mẹ F0 có nồng độ virus cao thì không làm vậy để tránh nguy cơ lây nhiễm”.

Đây là ca mổ thứ ba trong buổi sáng của bác sĩ Bình. Anh và êkip nghỉ tay, cởi chiếc áo mổ và cầm hộp cơm. Sau bữa trưa, anh còn hai ca mổ tiếp theo đã được lên lịch.

Bệnh viện hơn 600 sản phụ là F0, những mầm sống trong giông bão

Bệnh viện Hùng Vương đã điều trị cho hơn 600 sản phụ mắc Covid-19 trong thời gian qua. (Ảnh chụp màn hình)

Đến hiện tại, bệnh viện đã điều trị cho hơn 600 sản phụ. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận trên 180 trường hợp, mổ lấy thai 7-10 bé, chuyển viện lên tầng trên và xuống tầng dưới 30 ca. Bên cạnh đó, việc điều trị sản phụ F0 – một cơ thể mang 2 sinh mệnh, đó là một áp lực gấp trăm ngàn lần đặt lên vai nhân viên y tế.

Bởi trong điều kiện đời sống bình thường, khi mang thai thì việc hô hấp vốn khó khăn. Khi mắc thêm Covid-19, nó lại càng trở nên nặng nề. Lúc đó, thai trong bụng như một khối nặng khổng lồ đè lên thành ống khí, gây tắc nghẽn lưu thông khiến nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của cả mẹ và bé.

Một xanh, một hồng, các thiên thần nhí chào đời. ( Ảnh chụp màn hình)

Nhiều trường hợp sản phụ trở nặng, tổn thương phổi dẫn đến thiếu hụt oxy bất ngờ, đặt bác sĩ vào bài toán hóc búa: Làm sao để giữ cơ hội sống cho 2 mẹ con?

“Đối với sản phụ có triệu chứng nhẹ, chúng tôi cần giúp bệnh nhân thở tự nhiên, duy trì cho đứa trẻ ở trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. Thế nhưng, với trường hợp nặng, chúng tôi phải cân đo đong đếm từng ngày, nếu trẻ từ 28 tuần tuổi trở lên thì bắt buộc lấy ra. Đó quả thật là một bài toán…”

Lần cân đầu đời. ( Ảnh chụp màn hình)

Tính đến ngày 13/8, Bệnh viện Hùng Vương đã ghi nhận 3 trường hợp sản phụ F0 tử vong. Đây là một con số vô cùng đáng tiếc.

Theo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *