Ngày 27/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định 300.000 binh lính NATO “sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao”. Tuy nhiên, tuyên bố này chỉ đơn thuần mang tính PR, quảng bá cho NATO, chúng chỉ là một “khái niệm” và “không có tính thực tế” như tờ washingtonpost hôm 29/6 đã đưa tin.
Thông báo của ông Stoltenberg đã khiến quan chức Bộ quốc phòng cấp cao của nhiều thành viên NATO bối rối, và đặt câu hỏi về việc: Liệu mỗi nước thành viên cần đóng góp bao nhiêu binh lính vào “khái niệm’ 300.000 binh sĩ?
Một số nhà hoạch định chính sách an ninh cấp cao của Châu Âu cho biết, họ rất ngạc nhiên khi không được thông báo trước về kế hoạch mở rộng lực lượng phản ứng nhanh của NATO từ quy mô 40.000 người lên 300.000 người.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, Đức sẽ cung cấp 15.000 quân (tương đương với một sư đoàn đầy đủ). Câu hỏi đặt ra là: Nếu Đức với tư cách là một trong những cường quốc NATO lớn ở Châu Âu chỉ cung cấp quy mô 1 sư đoàn, vậy thì 19 sư đoàn còn lại sẽ đến từ đâu để tạo nên một lực lượng quân sự lên tới 300.000 người?
Đương nhiên NATO sẽ khó có thể huy động 300.000 quân đặt trong tình trạng báo động cao. Bởi không có mấy các thành viên NATO sẵn sàng gánh vác những chi phí quân sự trong “tình trạng chiến đấu cao” như thế. Các đơn vị chiến đấu trong “tình trạng báo động cao” có nghĩa là các binh sĩ phải có mặt đầy đủ trong tình trạng sẵn sàng duy trì nhiều tuần chiến đấu. Tất cả những điều này đều yêu cầu chi phí khá cao và không phải quốc gia thành viên nào có thể chi trả được.
Hiện chỉ có một số quân đội của các nước thành viên được chỉ định làm việc thường xuyên trong NATO. Một số quốc gia còn thiếu đạn dược và vũ khí. Một số thành viên thậm chí còn thiếu các ngành công nghiệp chế tạo vũ khí.
Ngay cả vũ khí hiện đại của Mỹ và NATO tiếp viện cho Ukraine cũng gặp nhiều vấn đề trên chiến trường Ukraine. Ví dụ: Tên lửa chống tăng vác vai Javelin trục trặc về pin và hệ thống làm mát. Vũ khí chống tăng NLAW của Anh quá yếu để có thể đánh bại thiết giáp Nga. Máy bay không người lái cảm tử Switchblade của Mỹ không thể điều khiển được trong điều kiện tác chiến điện tử của Nga. Tên lửa Stinger có cảm biến nhiệt quá chậm để thu được mục tiêu di chuyển nhanh. Siêu lựu pháo ‘hạng nhẹ’ M-777 không hiệu quả nhiều so với điều kiện thực chiến và có xu hướng bị vỡ nòng.

Trong khi đó, Tờ New York Times đã phỏng vấn gần hai chục binh sĩ Ukraine trong vài tuần qua, họ đều chỉ ra những vấn đề như sau: Người Nga liên tục làm nhiễu bộ đàm; binh sĩ Ukraine không có đủ thiết bị liên lạc; và thường gặp khó khăn trong việc liên lạc với cấp chỉ huy để kêu gọi pháo binh tới yểm trợ. Binh sĩ Ukraine cho biết, việc trao đổi với các đơn vị đóng quân gần đó cũng là một vấn đề, dẫn đến việc các lực lượng Ukraine thỉnh thoảng nổ súng vào nhau.
Về cơ sở vật chất, NATO chưa sẵn sàng chiến đấu. Về mặt chính trị, NATO cũng chưa sẵn sàng đối đầu với Nga khi Tổng thống Biden loại trừ khả năng can thiệp bằng vũ lực của NATO. Nhưng ngay cả khi ông Joe Biden thay đổi quyết định, thì năng lực tác chiến thực sự các nước NATO cũng chưa biết có đủ để đánh bại quân đội Nga hay không.