Tờ France24, trích dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Ukraine đã cạn kiệt vũ khí do Liên Xô và Nga sản xuất và hiện giờ phảI phụ thuộc hoàn toàn vũ khí của các đồng minh.
Trước đây, Ukraine từng là một phần của Nga, nên quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng được xây dựng dựa trên các thiết bị tiêu chuẩn của Nga, gồm vũ khí cầm tay, xe tăng, pháo…
Hơn 3 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, kho vũ khí của quân đội Ukraine đã được sử dụng hết hoặc bị phá hủy trong các cuộc giao tranh.
Giờ đây, lực lượng của Kyiv đang sử dụng hoặc đang học cách sử dụng các loại vũ khí do Hoa Kỳ và các đồng minh NATO châu Âu cung cấp.
Thông tin được đưa ra, sau khi phía Ukraine khẳng định quân đội nước này có thể đẩy quân Nga khỏi thành phố chiến lược Severodonetsk nếu nhận được tiếp viện của phương Tây: “Ngay khi chúng tôi có pháo tầm xa để đấu tay đôi với pháo binh Nga, các đơn vị đặc nhiệm có thể giành lại thành phố trong 2-3 ngày“.
Trong thời gian đầu của cuộc chiến, phương Tây luôn thận trọng và không muốn cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kyiv, vì họ lo sợ xảy ra xung đột với Nga và có thể các loại vũ khí hiện đại sẽ bị Nga sử dụng.

Do đó, các đồng minh của Ukraine đã cung cấp các loại thiết bị dựa trên tiêu chuẩn của Nga, bao gồm cả xe tăng và máy bay trực thăng. Hiện Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực tìm kiếm các đạn dược, phụ tùng… thời Liên Xô ở các quốc gia khác để cũng cấp cho Ukraine.
Một quan chức quân sự Mỹ cho biết, dưới sự bảo trợ của nhóm liên lạc với Ukraina gồm 40 thành viên, các quan chức quốc phòng đồng minh đang phối hợp để hỗ trợ lực lượng của Kyiv nhận được đạn dược, linh kiện và vũ khí liên tục, không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, vị quan chức này cũng nhấn mạnh rằng nếu vũ khí được gửi đi chậm là do các đồng minh muốn đảm bảo rằng quân đội Ukraine sẽ sử dụng cẩn thận và không bị lãng phí. Tốc độ này cũng hạn chế nguy cơ vũ khí dự trữ bị quân Nga phá hủy. Vậy nên, Hoa Kỳ sẽ gửi vũ khí của mình theo từng giai đoạn.
Mới đây, một gói hỗ trợ có trị giá 700 triệu USD, và Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin và 4 trực thăng Mi-17. Gói hỗ trợ còn bao gồm 15.000 đạn pháo, 15 xe bọc thép hạng nhẹ và đạn súng trường.
Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ, Mỹ không sẵn sàng gửi máy bay không người lái chiến thuật Grey Eagle của Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công sâu vào bên trong nước Nga, một động thái có thể có nguy cơ kéo Washington vào xung đột trực tiếp với Moscow.