Từ 8h ngày 16/8, Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong một tuần, “tạm dừng tất cả các hoạt động” trên toàn thành phố, sau thi TP này vượt 1.600 ca Covid-19.
TP Đà Nẵng ‘tạm dừng mọi hoạt động’ trong 7 ngày, ai ở đâu ở yên đó.
Thông báo “tạm dừng tất cả các hoạt động” trên địa bàn trong vòng một tuần được ngành chức năng thành phố Đà Nẵng phát đi sáng 14/8. Người dân Đà thành có hai ngày để chủ động sắp xếp công việc, đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết.
Quyết định đóng cửa 7 ngày được lãnh đạo thành phố ban hành khi tình hình dịch bệnh những ngày qua chưa được kiểm soát, cả về số ca nhiễm mới và số ca lây nhiễm được phát hiện trong cộng đồng.
Cụ thể, từ 8h00 ngày 16/8 đến 8h00 ngày 23/8 dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch).
Các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ”.
Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp nêu trên, Sở Y tế sẽ lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, có độ bao phủ toàn thành phố để đưa F0 ra khỏi cộng đồng.
Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.609 ca mắc Covid-19. Thành phố áp dụng cách ly xã hội cao hơn Chỉ thị 16 từ 18h ngày 31/7. Riêng ngày 13/8, thành phố ghi nhận 58 ca mắc Covid-19, trong đó 16 ca cộng đồng. Đáng chú ý, chuỗi chuỗi lây nhiễm mới “nguy cơ rất cao” liên quan đến chợ đầu mối Hoà Cường có 20 ca dương tính (13 ca là tiểu thương).
Người Đà Nẵng kéo nhau đi chợ, mua thực phẩm tích trữ
Trước đó, sáng 12/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thông báo “nếu trong vòng 4 ngày nữa thực hiện các biện pháp như hiện nay mà tình hình dịch bệnh không giảm, Đà Nẵng phải thực hiện triệt để hơn nguyên tắc ai ở đâu ở yên đó”.
Hai ngày qua, nhiều người dân thành phố đã đổ xô đến các chợ để mua lương thực, thực phẩm; nhiều nơi không đảm bảo giãn cách, giá tăng so với ngày thường, theo VnExpress.
Dòng người chen nhau mua hàng từ sáng sớm tại khu vực bán hải sản. Đến 7h30, nhiều quầy hải sản đã hết hàng. Giá hải sản tăng khoảng 50.000 đến 100.000 đồng/kg mỗi loại so với trước.
Các quầy bán thịt cũng chật kín người mua. Giá thịt lợn tăng nhẹ
Tình trạng nhiều quầy thịt, cá, rau…, sớm hết hàng cũng xảy ra ở hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố.
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
Tại các siêu thị tình trạng tương tự:
Thành phố đã chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cung ứng đến tận các tổ dân phố, đến người dân cũng như có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đề nghị người dân không tập trung đông người để mua sắm dự trữ quá nhiều, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho chính mình và cộng đồng.