Hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 tại TP. HCM rất nặng và nguy kịch, ca tử vong tăng nhanh

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM, hiện trên địa bàn TP đang có 1.026 bệnh nhân nặng phải thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO ở bệnh viện điều trị Covid-19. Trước đó, chỉ riêng trong ngày 1/8, thành phố ghi nhận thêm 170 trường hợp tử vong, tính đến trưa ngày 3/8, TP đã công bố 1.508 ca tử vong.

Theo VnExpress, TP. HCM đang áp dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng thay vì 3, 4 tầng như trước. Trong đó, khu vực tầng 5 chuyên dùng để tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Bộ Y tế đang thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch tại TP. HCM, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách, với mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong ở người mắc Covid-19.

Bộ Y tế mới phân loại 4 nhóm nguy cơ người nhiễm Covid-19 gồm:
Nhóm nguy cơ cao: Người tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi, người có SpO2 từ 93% đến 94%.

Nhóm nguy cơ rất cao: Người tuổi từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền, đang trong tình trạng cấp cứu, người có SpO2 từ 92% trở xuống, người phải thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.

Tại TP. HCM, hiện nay, người có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính (F0), có triệu chứng hoặc thuộc nguy cơ cao sẽ được chuyển đến khu cách ly tập trung tại quận huyện. Còn những ca F0 không có triệu chứng, không thuộc nhóm nguy cơ cao, tạm thời theo dõi, chăm sóc, cách ly tại nhà.

(Ảnh chụp màn hình)

Hệ thống y tế TP.HCM đang quá tải nguồn lực điều trị COVID-19

Theo Tuổi Trẻ, Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 4 đơn vị được giao 300 giường hồi sức tích cực, cũng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị máy móc.

TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết hiện năng lực tối đa của bệnh viện có thể bố trí khoảng 100 giường hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO.

Trong đợt dịch này, đơn vị đã huy động 181 nhân sự chi viện cho 6 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức 1.000 giường. Các nhân viên đều phải gồng gánh công việc cho nhau, hầu như không ai nghỉ ngơi. Sắp tới đây việc bố trí nhân sự cho 300 giường hồi sức, theo ông Thức, không phải chuyện dễ mà phải “rất căng kéo”.

Theo BS Thức, “Ngoài các vấn đề về cơ chế, hệ thống oxy, khí nén không phải muốn là làm liền được. Hiện chúng tôi đang suy nghĩ đàm phán với Đại học Bách khoa TP.HCM xem có thể sản xuất được hệ thống này trong vài tuần hay không”.

(Ảnh chụp màn hình Bộ y tế)

Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết lượng ca bệnh có diễn tiến nặng như hiện nay rất đáng lo ngại khi số lượng bác sĩ và máy móc chuyên về hồi sức rất hạn chế.

Không chỉ ở khối điều trị bệnh nhân nặng cần hồi sức, các bệnh viện dã chiến nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng đang thiếu hụt nhân viên y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng.

Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hồi giữa tháng 7 cho biết, nguồn nhân lực chăm sóc điều trị cho bệnh nhân của TP.HCM đang “căng hết sức” và đang phải huy động khoảng 7.000 người từ trung ương, các địa phương hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *