Bốn ngày nữa nếu dịch COVID-19 không giảm, Đà Nẵng sẽ áp dụng giãn cách xã hội mạnh mẽ “ai ở đâu ở yên đó trong 7 ngày”. Trước thông tin này, người dân Đà Thành đổ xô đến các siêu thị mua hàng dự trữ.
Sáng 12/8, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Đà Nẵng có thể sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa cứng toàn thành phố “ai ở đâu thì ở đó” trong vòng 7 ngày kể từ sáng thứ Hai tuần sau, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 không giảm, theo Tiền Phong.


Theo ông Quảng cho hay, từ ngày 10/7 đến 11/8, TP ghi nhận 1.473 ca mắc COVID-19 với 13 người tử vong. Hiện toàn TP đang điều trị 1.069 ca bệnh, trong đó có 43 ca nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ông Quảng nhấn mạnh về nguyên tắc mới: “Theo nguyên tắc này, người dân tuyết đối không ra khỏi nhà. Nếu các cơ sở, công xưởng, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cho công chức, người lao động phải ở lại tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày để tiến hành xét nghiệm toàn thành phố, nhằm sớm phát hiện các ca dương tính để đưa ra khỏi cộng đồng. Đây là biện pháp thành phố không mong muốn áp dụng và hi vọng không phải áp dụng. Nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh chúng ta phải chấp nhận hi sinh nhiều lợi ích để thực hiện”.

Theo ghi nhận của VTCnews, từ sáng 12/8, người dân Đà Nẵng tỏ ra lo lắng, đổ xô đến các siêu thị, chợ, tiệm tạp hóa để mua hàng dự trữ.

Đến trưa nay, ngày 12/8, tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, lượng người đổ về mua lương thực, thực phẩm khá đông. Tại tầng hầm các siêu thị này, lượng xe máy dựng không còn chỗ trống, khác hẳn nhưng ngày trước đó.

Nhân viên tại các siêu thị cũng khá bất ngờ trước tình trạng người dân đổ xô đến mua lương thực, thực phẩm trong sáng 12/8. “Chúng tôi không nắm được thông tin, chỉ nghe người đến mua hàng nói thành phố sẽ phong tỏa 7 ngày”.

Một nhân viên siêu thị cho hay: “Đến trưa nay, thông tin chính thức từ báo chí thì đó mới chỉ là dự kiến của thành phố nếu tình hình diễn biến dịch phức tạp. Chúng tôi cũng giải thích cho người dân khi họ đến siêu thị nhưng họ bảo lỡ đến rồi thì mua”.

Những mặt hàng được người dân chọn mua chủ yếu là rau, củ, quả và thịt, cá. Do lượng người mua nhiều nên các kệ hàng này nhanh chóng hết hàng.


Đến trưa 12/8, thêm nhiều kệ hàng tại các siêu thị trống trơn, nhiều người xếp hàng nhưng không có hàng để mua.

Không chỉ ở siêu thị, tại các cửa hàng tạp hóa trong các khu dân cư cũng rất đông người đến mua lương thực, thực phẩm tích trữ.


Trứng cũng là mặt hàng được người dân lựa chọn mua về.