Vnexpress– Dưới nắng hè gay gắt, những người thợ xây dựng, phụ hồ quanh quẩn bên trong lán trại khoảng 20 m2, dựng tạm bợ bằng mấy tấm gỗ và phủ bạt.


Lán trại của nhóm 10 lao động ở khu Đồng Đế, phường Dương Nội (quận Hà Đông). Đây là một trong số hàng chục lán tạm bợ của những người thợ xây dựng, phụ hồ ở một số công trường trên địa bàn Hà Nội.
Họ đến từ nhiều tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình… Hai tuần qua, nhóm thợ tạm nghỉ việc khi thành phố giãn cách.

Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời khoảng 37 độ C. Bên trong lán, nhóm lao động ngồi nghỉ trước những chiếc quạt chiếu thẳng vào người.

Chiếc máy phun sương nhỏ hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Đây là thiết bị được chủ thầu xây dựng mua để “nhân công còn ngủ được” trong ngày hè oi bức.

Ông Vũ Văn Nghiệp (53 tuổi) ở Hải Hậu, Nam Định, nằm ngủ trên chiếc võng dựng trong lán, cũng là chỗ ăn ngủ suốt 2 tuần nay.
Được chủ giao quản lý nhân công, ông Nghiệp cho hay “trước khi thành phố giãn cách, hai người trong nhóm trong đó có một bác năm nay 60 tuổi đã mua lại chiếc xe đạp giá 400.000 đồng, rồi đạp 160 km về quê ở Hải Hậu, Nam Định”. Những người còn lại đều “ngồi im một chỗ vì sợ bị phạt khi ra ngoài”. Theo ông Nghiệp, tiền công của nhóm thợ khoảng 250.000 đồng mỗi ngày, hôm nào không đi làm thì không có thu nhập.

Nhóm thợ tranh thủ thời gian không phải ra công trường tự cắt tóc cho nhau. Họ dùng những chiếc kéo cùn thường ngày vẫn cắt thức ăn, vải, bạt…

Anh Lò Văn Thuận, quê Mường Ẳng (Điện Biên) cạo trọc đầu để “tiết kiệm xà phòng và nước”.

Ngồi trong lán, anh Vàng A Tòng, 24 tuổi, ở Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết vừa xuống Hà Nội làm được 50 ngày thì trải qua 14 ngày giãn cách. “Lúa ở nhà đang chuẩn bị chín mà tôi không về được. Ở nhà chỉ có vợ và con một tuổi, tôi chưa biết làm cách nào để về nhà khi thành phố tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày”, anh Tòng chia sẻ.

Khoảng đất trống trước lán trại dùng làm nơi tắm giặt, vệ sinh của đội thợ xây dựng mỗi khi chiều về. Đây cũng là khoảng thời gian duy nhất trong ngày họ bước ra khỏi lán.

Nhóm lao động quây quần bên mâm cơm khi chiều về. Bữa cơm ngày giãn cách của họ được chủ thầu hỗ trợ từ 30.000 đến 40.000 đồng (một ngày mỗi người).
“Hàng ngày lao động nặng không sao, nay chỉ ăn rồi nằm, rồi lại ngồi, tôi lại thấy đau lưng và mỏi”, một công nhân nói.

Tối đến, Giàng A Gia (21 tuổi) thường gọi điện về nhà nói chuyện cùng gia đình. Anh mới xuống thành phố làm mấy ngày, chưa kiếm được tiền công thì phải giãn cách. “Có xe ôtô gần bến Mỹ đình nhận chở về nhà nhưng giá 1,5 triệu đồng một người, cùng phí xét nghiệm PCR 800.000 đồng, nhiều tiền quá nên tôi ở lại lán cho đỡ tốn kém”, nam công nhân quê Sơn La nói.

Các lán trại phải xin “câu” tạm điện từ hàng xóm để duy trì sinh hoạt trong đêm tối. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gạo và trứng cho mỗi lán, phát phiếu đi chợ cách ngày cho các nhóm lao động.
Theo Ngọc Thành – Vnexpress
Ngày 16/8: Thêm 8.652 ca mắc COVID-19, 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Thông tin các ca nhiễm mới:
Tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (3.341), Bình Dương (2.522), Long An (599), Đồng Nai (588), Khánh Hòa (262), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (152), Vĩnh Long (131), Đà Nẵng (96), An Giang (87), Cần Thơ (86), Sóc Trăng (75), Trà Vinh (71), Phú Yên (62), Thừa Thiên Huế (60), Tây Ninh (52), Hà Nội (50), Bình Thuận (33), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (27), Gia Lai (25), Nghệ An (24), Hà Tĩnh (17), Đắk Lắk (11), Quảng Nam (11), Bắc Ninh (11), Lâm Đồng (8 ), Thanh Hóa (6), Nam Định (6), Hậu Giang (6), Bình Phước (6), Lạng Sơn (4), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Lào Cai (2), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Thái Nguyên (1) trong đó có 2.422 ca trong cộng đồng.
Trong 24h qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 930 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 1.175 ca, Bình Dương tăng 164 ca, Long An tăng 85ca, Đồng Nai tăng 42 ca, Khánh Hòa tăng 96.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204), Bắc Giang (5.795).
Tình hình điều trị
- 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 16/8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 106.977 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 590 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 22 ca.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 147.657 xét nghiệm cho 610.463 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 8.299.083 mẫu cho 23.798.054 lượt người.
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày 15/8, có 508.244 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 14.666.708 liều, trong đó, tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều.