Chuyện mùa dịch – làm gì khi ta đã đặt cược cho sự cô đơn

Khi giãn cách xã hội, người ta thường náu mình trong nhà, dán mắt vào màn hình điện thoại để “giết thời gian” và hy vọng rằng một ngày gần nhất có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của bốn bức tường, trải nghiệm tự do và tận hưởng những chuyến du lịch.

Thế nhưng, những chuyến du lịch và sự tự do, có nhất thiết cần đến việc bước ra khỏi gian phòng của mình hay không? Bốn bức tường có thực sự là “ngục tù” giam hãm con người hay không? Văn hào lừng danh người Nga Anton Chekhov, trong truyện ngắn “Đánh cược ” đã gửi tới chúng ta một câu trả lời rõ ràng.
Chuyện kể rằng, có một lão chủ ngân hàng giàu sụ đến mức không đếm được mình có bao nhiêu tiền. Một hôm, lão tổ chức một bữa tiệc của tầng lớp thượng lưu. Trong bữa tiệc đó, đề tài được tranh luận sôi nổi nhất đó là: “hình phạt tử hình hay giam chung thân thì vô nhân đạo hơn”.


Lão chủ ngân hàng chọn đáp án: “tù chung thân”, còn một luật sư trẻ khác chọn: “tử hình”.
Chủ ngân hàng khẳng định rằng luật sư sẽ không ở tù được năm năm, nếu sai lão mất hai triệu rúp. Còn anh luật sư bảo: “mười lăm năm tôi cũng chịu được”.
Thế là hai người quyết định đánh cược. 2 triệu với luật sư thì quả là một tài sản kếch xù, nhưng với lão chủ ngân hàng thì thật chẳng đáng là bao.
Điều kiện đánh cược như sau: Luật sư sẽ chỉ ở trong một ngôi nhà giữa vườn của chủ ngân hàng, không được bước chân ra ngoài. Trong 15 năm đó, không gặp, không chuyện trò với ai, không nhận thư đọc báo. Được phép chơi nhạc, viết thư, uống rượu hút thuốc đến chán thì thôi. Thích đọc sách nào thì viết phiếu yêu cầu là sẽ có. Ra sớm dù chỉ 2 phút cũng tính là thua cuộc.

Hình minh họa


Trong năm đầu, vị luật sư này không rượu, không thuốc, chỉ đánh dương cầm. Sách gửi vào phải là tiểu thuyết tình cảm éo le, truyện ngắn giật gân quái dị, chính là thể loại “sốc – độc – lạ” hoặc “cổ – kỳ – quái”.
Năm thứ hai, anh ta không đánh đàn nữa, chỉ yêu cầu nhạc cổ điển.
Đến năm thứ 5, lại đánh đàn, và đòi uống rượu. Người tu nhân này không đọc sách chỉ ăn uống rồi nằm ườn cho hết ngày. Ban đêm ngồi viết, ban ngày ngồi xé. Có khi độc thoại, có lúc nằm khóc.
Đến năm thứ sáu, anh ta bắt đầu hăng hái học ngôn ngữ, triết học, lịch sử. Trong 4 năm, vị luật sư đã đọc chừng 600 tác phẩm loại này rồi viết thư gửi ông chủ ngân hàng như sau:


“Ông cai ngục thân mến, tôi viết cho ông những dòng này bằng sáu thứ tiếng. Ông hãy đưa chúng cho những người rành ngôn ngữ và để cho họ đọc. Nếu họ không thấy lỗi nào, tôi xin ông cho bắn một phát súng ở sau vườn. Tiếng súng giúp tôi hiểu rằng nỗ lực bấy lâu của tôi không uổng phí. Người tài giỏi ở mọi thời đại và mọi quốc gia nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng tất cả đều bùng cháy cùng một ngọn lửa. Ôi, nếu ông biết được giờ này tôi hạnh phúc xiết bao khi đã có thể hiểu được họ!”
Nguyện vọng của người tù đã được thực hiện. Ông chủ ngân hàng cho bắn hai phát súng sau vườn.
Sau năm thứ mười, tù nhân ngồi đến bất động để đọc sách Phúc âm. Sau sách Phúc âm là các sách về thần học và lịch sử.
Hai năm cuối cùng, anh ta đọc một lượng khổng lồ các loại sách, từ khoa học tự nhiên các loại đến tác phẩm của Byron và Shakespeare, triết học và thần học.

Hình minh họa


Cứ thế ngày tháng trôi đi, rồi đã đến những giờ phút cuối cùng của cuộc chơi.
Lúc này, lão chủ ngân hàng sau 15 năm phung phí tài sản, đã không còn mấy tiền bạc nữa, giờ phải mất hai triệu cho anh luật sư chỉ mấy tiếng nữa là ra tù, thì quả thực xót xa. Lão nghĩ nát óc, nhưng chỉ có cách thủ tiêu vị luật sư thôi, chỗ đó vắng vẻ, chẳng mấy ai biết. Sức lão thì mạnh, luật sư thì yếu, chỉ cần lấy gối chẹn thở người tù này là xong.
Lão chủ ngân hàng nghĩ thế rồi bước vào gian phòng, luật sư đang ngồi ngủ gục trên bàn, cạnh đầu anh ta là một mảnh giấy, đây là một bức thư tuyệt hay gửi tới chủ ngân hàng:


“Mười hai giờ trưa mai tôi sẽ được tự do, sẽ có quyền giao tiếp với mọi người, nhưng trước khi rời bỏ căn phòng này và nhìn ánh mặt trời, tôi nghĩ là cần nói với ông vài lời. Với tinh thần tỉnh táo, như đứng trước Chúa đang nhìn thấy tôi đây, tôi cho ông biết rằng tôi khinh thường tự do, cuộc sống, sức khỏe và tất cả những gì sách vở của ông cho là báu vật trên thế giới.
Trong vòng 15 năm, dù không được nhìn thấy trái đất và con người, nhưng nhờ vào sách vở của ông, tôi đã đi khắp nơi, trải nghiệm hết thảy điều tuyệt diệu. Sách vở của ông đã đem lại cho tôi sự khôn ngoan, bởi hầu hết những tinh hoa tri thức của nhân loại đã được nén lại trong óc tôi. Tôi biết mình uyên thâm hơn tất cả các ông.


Nhưng giờ đây tôi khinh thường cả sự hiểu biết, cả sách vở của các ông. Vì với bao nhiêu kiêu hãnh, khôn ngoan, tinh tế như thế mà chẳng giúp được các ông khỏi chết, và khỏi phá hoại quả đất này để bị quét sạch cùng với nó.
Những khôn ngoan ấy, hiểu biết ấy chẳng giúp các ông khỏi mê mẩn vì những điều tầm thường ngớ ngẩn, những hiện tượng kỳ quái vô ích như cây cam sinh ra cóc nhái thay vì hoa quả, còn hoa hồng có mùi mồ hôi ngựa… trong khi đạo lý và những điều cao thượng thì các ông bỏ lơ. Các ông lấy dối trá thay cho sự thật, lấy cái xấu xa thay cho điều đẹp đẽ. Các ông mang “bắp cày đổi lấy chìa vôi”.

Hình minh họa


Để chứng tỏ bằng hành động thiết thực rằng tôi khinh thường biết bao những thứ mà các ông dựa vào để sống, tôi từ bỏ số tiền hai triệu mà trước đây tôi mơ ước như một thiên đường và giờ này tôi khinh thường. Để tự tước bỏ cái quyền được thụ hưởng số tiền đó, tôi sẽ rời bỏ nơi này năm tiếng đồng hồ trước thời hạn quy định, và sẽ vi phạm hợp đồng…”
Chủ ngân hàng cảm động đến phát khóc, bỏ người tù ở đó ra về. Chưa bao giờ kể cả trong những lúc khốn khổ nhất, lão cảm thấy mình đáng khinh đến thế. Sáng hôm sau, người ta báo rằng tù nhân đã trốn thoát trước giờ hẹn. Vậy là lão thu lại hai triệu, thu lại cả lá thư để không ai biết lý do cho sự việc đó.


Câu chuyện này có lẽ chỉ là tác phẩm hư cấu của một nhà văn người Nga, nhưng quả thật có rất nhiều người đang rơi vào hoàn cảnh của chàng luật sư nọ, sẵn sàng đánh cược tuổi xuân và tự do để đổi lấy tiền bạc. Rồi khi họ cô đơn trong căn phòng nội tâm của chính mình, không biết liệu họ sẽ dành thời gian cho rượu, thuốc là và các thú vui giết thời gian, hay họ sẽ đi tìm ý nghĩa chân chính của cuộc đời.


Tự do nào phải chỉ là một lý niệm về không gian, nói rộng ra hơn nữa, tự do là một trạng thái tinh thần, chỉ khi nào chúng ta đủ khôn ngoan để từ bỏ tất cả các ràng buộc, thì chúng ta mới thoát khỏi được kết cục bi thảm và đến với một tương lai đầy tự do, giống như chàng luật sư đã từ bỏ tất cả, kết thúc hợp đồng và may mắn thoát khỏi cái chết.

Cách ly xã hội là một khoảng thời gian không mấy vui vẻ, nhưng hãy dành thời gian để nhìn sâu vào chính nội tâm của mình, và nghĩ xem bạn cần gì để có thể thật sự đạt được tự do và hạnh phúc. Biết đâu sẽ đến lúc bạn ngồi nghiêm chỉnh trong căn phòng nhỏ , nghiền ngẫm một cuốn sách hay giống như chàng luật sư đọc sách Phúc m và rồi tìm thấy con đường mình cần phải đi…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *