Việc cấp giấy đi đường tại TP. HCM đang có nhiều bất cập khiến các hiệp hội ngành hàng gặp khó khăn trong thủ tục xuất nhập khẩu phải kêu cứu Thủ Tướng. Trong khi đó, nhiều hệ thống kinh doanh nước uống, gas… vẫn chưa được cấp giấy đi đường theo mẫu mới, dẫn đến người dân thiếu nước uống đóng bình, thiếu gas.

Sở Công thương TP.HCM ‘không đủ sức’ cấp giấy đi đường cho hệ thống phân phối gas
Liên quan đến việc người dân phản ánh hiện nay nhiều hệ thống phân phối gas và các cửa hàng kinh doanh gas lẻ cho biết không có giấy đi đường, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Trong ngày 25/8, Ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết hiện nay sở không đủ sức cấp phép được các loại hình này. Do đó, sở đã kiến nghị TP ban hành văn bản 2800 phân cấp các quận huyện cấp lại các giấy đi đường cho các loại hình gas và xăng dầu…

Tuy nhiên, theo quy định mới, Sở Công thương phải cấp các giấy này theo mẫu của cơ quan công an. Hiện nay, Sở Công thương nhận được khoảng 100.000 đề nghị cấp giấy, nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu của Công an TP.
Do đó, Sở Công thương phải có tính toán và cắt giảm. Tuy nhiên, có những đơn vị không thể giảm, như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, để cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.
Dân hết gas, nước nấu ăn, Doanh nghiệp từ chối gần 5.000 đơn hàng vì ..chờ giấy đi đường
Theo Tuổi Trẻ, dù phản ảnh liên tục trong 3 ngày qua nhưng nhiều DN kinh doanh gas cho hay đến chiều 25/8 vẫn chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới do công an cấp nên đơn hàng gas tồn đọng rất lớn. Trong khi đó mẫu giấy đi đường cũ đã hết hiệu lực, một số địa phương vẫn cho người giao gas tạm thời dùng mẫu cũ, song địa phương khác lại xử phạt tiền triệu.
Ông Lê Quang Tuấn – phó giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương – cho biết trừ các đại lý ở quận Bình Tân và quận 11, các đại lý tại các địa bàn khác đều phản ảnh chưa nhận được giấy đi đường mẫu mới dù đã gửi danh sách lên phòng kinh tế cũng như công an các quận huyện.

Tương tự, ông H.V.H. – giám đốc điều hành hệ thống gas V. – cho hay đã làm các thủ tục để gửi UBND và công an các quận, huyện từ ngày 23/8 nhưng nhiều chi nhánh vẫn chưa có được giấy đi đường, kể cả mẫu cũ lẫn mẫu mới. “Người dân điện thoại hối lên hối xuống mà đi giao gas lại bị phạt nên không giao, trong khi chuyện nấu ăn mỗi ngày đâu thể chờ được”.
Theo ông Võ Minh Tuấn – đại diện hệ thống cung cấp nước đóng bình S.A.P tại quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức, DN này phải từ chối đơn hàng rất nhiều, chưa kể số đơn hàng còn tồn đọng lên đến gần 5.000 bình chưa giao được cho người dân do chưa có giấy đi đường.

Ùn ứ hàng ngàn bình gas mỗi ngày
Theo Chi hội gas miền Nam, bình thường các DN cung ứng ra thị trường TP.HCM sản lượng khoảng 17.000 tấn gas/ngày, trong đó khoảng 60% là gas sinh hoạt với loại bình 12kg. Trong thời điểm dịch, ước tính mức cung ứng giảm xuống khoảng 12.000 tấn gas/ngày. Tuy nhiên, do chưa được cấp giấy đi đường, mỗi hệ thống đang tồn đọng 200 – 300 đơn hàng/ngày, đại lý tồn đọng khoảng 50 – 60 đơn/ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Long – phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN – cho biết gas là mặt hàng thiếu yếu, kinh doanh có điều kiện do liên quan đến cháy nổ nên không thể giao hộ, vì vậy các thủ tục cấp giấy đi đường cần đẩy nhanh cho người dân được nhận gas. Việc ách tắc trong vận chuyển gas sẽ gây ảnh hưởng đến việc chuẩn bị bữa ăn của nhiều hộ dân.

“Trong lúc chờ cơ quan chức năng cấp giấy đi đường, lực lượng giao gas cần được tạo điều kiện hoạt động bằng thẻ nhân viên, giấy đi đường công ty, giấy đi đường cũ” – ông Long đề xuất.
‘Chóng mặt’ xin cấp giấy đi đường, hàng loạt hiệp hội kêu cứu
Ngày 25/8, hàng loạt hiệp hội ngành hàng như: cao su, rau quả, điều, hồ tiêu, ca cao… đã gửi văn bản kêu cứu đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng các bộ Công thương, Giao thông vận tải và chủ tịch UBND TP.HCM, mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp, theo Tuổi Trẻ.
Trước đó, quy định của thành phố HCM yêu cầu các nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu được Sở Công thương cấp giấy đi đường trên cơ sở hồ sơ đăng lý. Song, đến thời điểm hiệntại vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được phản hồi từ Sở Công thương.
Nguyên dân do Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp). Tuy nhiên, TP Thủ Đức và các quận, huyện thì chỉ cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan. Điều đáng nói là không phải tất cả doanh nghiệp đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Việc thay đổi liên tục quy trình đăng ký cấp giấy đi đường cũng khiến doanh nghiệp gặp khó.
Quy định trước đó của Sở Công thương cấp theo quy trình 5 bước, nhưng chỉ 1 ngày sau, việc này được giao cho cơ quan công an cấp cho các sở để cấp lại cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay, do việc xử lý hồ sơ quá tải, Sở Công thương đề nghị chuyển một số nhóm doanh nghiệp cho các quận, huyện xử lý.

Trước tình hình trên, các hiệp hội đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ, tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ, ứng dụng công nghệ để cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email để làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát, đến trụ sở Sở Công thương đóng dấu.
Để giảm tải cho các sở ban ngành, các hiệp hội cũng đề nghị được đảm nhận vai trò là đầu mối lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu để gửi tới Sở Công thương. Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký, quản lý người lao động. Doanh nghiệp không phải hội viên hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục tại Sở Công thương và địa phương.
Thêm vào đo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục xin cấp giấy đi đường sau khi nhận được phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA). Hiệp hội này phản ánh có những quy định không phù hợp như yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu trong thời gian giãn cách từ ngày 23-8 đến 6-9-2021.
Tuy vậy, hiệp hội này cho rằng quy định khung thời gian như vậy chưa hợp lý, khi doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất, nên có thể dẫn tới lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên. Trong khi đó, việc nộp hồ sơ tại Sở Công thương vẫn đang trong tình trạng quá tải, nên doanh nghiệp vẫn phải chờ xử lý mà không rõ có được cấp giấy đi đường hay không.