Hơn 600.000 viên tân dược giả điều trị COVID-19 sản xuất trong nhà vệ sinh, Bộ y tế yêu cầu địa phương chủ động oxy cho F0,Đà Nẵng dự kiến kéo dài thêm 10 ngày ‘ai ở đâu ở đó’
Bộ Y tế tối 24/8 ghi nhận 248 ca tử vong và 10.811 ca mới. Như vậy đến nay Việt Nam có tổng cộng 369.267 ca, trong đó có 9.014 ca tử vong.
Thông tin về 348 ca tử vong: tại TP. Hồ Chí Minh (292), Bình Dương (35), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Tiền Giang (3), Bà Rịa – Vũng Tàu (2), Sóc Trăng (2), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Ninh Thuận (1), Quảng Nam (1), Thừa Thiên Huế (1). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 24/8 là 9.014 ca.

Thông tin về 10.811 ca nhiễm mới: 14 ca nhập cảnh, TP. Hồ Chí Minh (4.627), Bình Dương (3.628), Đồng Nai (799), Long An (393), Khánh Hòa (203), Đồng Tháp (162), Đà Nẵng (153), Tây Ninh (105), Tiền Giang (93), Cần Thơ (72), Hà Nội (66), Bà Rịa – Vũng Tàu (64), Kiên Giang (61), Bình Thuận (56), Sóc Trăng (42), An Giang (42), Nghệ An (28), Phú Yên (24), Đắk Lắk (21), Bình Phước (20), Thừa Thiên Huế (13), Bến Tre (12), Vĩnh Long (11), Quảng Nam (11), Hà Tĩnh (10), Hậu Giang (9), Quảng Trị (9), Sơn La (9), Bạc Liêu (7), Lạng Sơn (7), Trà Vinh (6), Thanh Hóa (5), Lâm Đồng (5), Bình Định (5), Ninh Thuận (4), Gia Lai (3), Bắc Ninh (3), Bắc Giang (3), Quảng Bình (2), Quảng Ngãi (1), Hà Nam (1), Hải Phòng (1), Cà Mau (1) trong đó có 6.780 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 369.267 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã hồi phục. Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang. Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên.
05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (184.872), Bình Dương (77.053), Đồng Nai (19.110), Long An (18.586), Tiền Giang (7.836).
Dịch phức tạp, Bộ y tế yêu cầu các địa phương chủ động đảm bảo oxy y tế cho F0
Ngày 24/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo oxy y tế cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo Bộ Y tế, kinh nghiệm chống dịch tại một số tỉnh bùng phát mạnh cho thấy các yếu tố quyết định trong điều trị bệnh nhân COVID-19 là: oxy y tế, thuốc và trang thiết bị y tế là đặc biệt quan trọng. Do đó, các địa phương chủ động đảm bảo oxy y tế điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo, khẩn trương triển khai một số nội dung. Cụ thể, thành lập Bộ phận điều phối oxy y tế của tỉnh, thành phố và phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng bộ phận, lãnh đạo Sở Y tế làm phó thường trực bộ phận và thành viên thuộc các Ban, ngành, đơn vị liên quan.

Bộ phận điều phối oxy y tế có nhiệm vụ chỉ đạo lập và tổ chức triển khai kế hoạch để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho công tác điều trị người bệnh COVID-19 và các bệnh khác trên địa bàn, trong đó cần chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở điều trị, lập phương án cung ứng oxy y tế trên địa bàn.
Rà soát thực trạng, cập nhật tình hình sử dụng, dự báo nhu cầu oxy y tế theo các các tình huống số ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Hơn nửa triệu viên tân dược giả điều trị COVID-19 sản xuất trong nhà vệ sinh
Ngày 24/8, Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả, Công an TP. HCM đã tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu, hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất.
Trước đó, qua điều tra theo dõi, Công an TP. HCM đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc tân dược giả, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19.

Ngày 20/8, cơ quan công an phát hiện Thuận chở 1 thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả nên tiến hành kiểm tra, phát hiện 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu Terpincodein. Thuận khai nhận đây là thuốc tân dược giả; do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8, cơ quan Công an đã tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu gồm hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất.
Trong đó có: 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo – Cordion, Augmentin, 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo – Codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu…
Đáng chú ý, quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện khu vực sản xuất tân dược giả là… trong nhà vệ sinh. Nguyên liệu và thuốc thành phẩm cũng được các đối tượng để ngay dưới nền nhà.
Đà Nẵng dự kiến kéo dài thêm 10 ngày ‘ai ở đâu ở đó’
Ngày 24/8, TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. TP Đà Nẵng đang ở ngày thứ 9 thực hiện việc “ai ở đâu thì ở đó” để tiến hành xét nghiệm toàn dân. Thành phố cũng đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình và tiếp tục lấy mẫu đợt 3 (từ 22/8 đến ngày 26/8).
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn đều được vào cơ sở y tế để chữa trị, theo dõi và quản lý. Trên địa bàn có 21 trường hợp tử vong và 57 trường hợp bệnh nhân có diễn biến rất nặng, nguy kịch.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Tỷ lệ F0 bình quân tăng theo từng giai đoạn thành phố áp dụng chặt chẽ các biện pháp thực hiện. Tỷ lệ bình quân hàng ngày tương đối giao động. Có 2 chuỗi lây nhiễm nguy hiểm gồm chuỗi cảng cá Thọ Quang, khu phong toả quận Sơn Trà và chuỗi chợ đầu mối Hoà Cường đã bắt đầu kiểm soát.
Theo ông Minh: “Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc” ai ở đâu thì ở đó” theo tinh thần Chỉ thị 05 và Quyết định số 2788 của UBND TP. Dự kiến sẽ thêm 10 ngày. Ngày mai UBND TP Đà Nẵng sẽ quyết định việc này”