CẬP NHẬT TỐI 23/8: Thêm 10.266 ca mới, Việt Nam hơn 8.600 ca tử vong; TP.HCM đưa người lang thang vào khu bảo trợ

Tối 23/8 thêm 389 ca tử vong; TP.HCM hơn 42.000 F0 điều trị tại nhà, đưa người lang thang vào cơ sở bảo trợ

Bộ Y tế tối 23/8 ghi nhận 389 ca tử vong và 10.266 ca mắc mới. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam là 358.456, trong đó có 8.666 ca tử vong.

(Ảnh minh họa)

Thông tin về 389 ca tử vong: tại TP. Hồ Chí Minh (340), Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Bà Rịa ), Vũng Tàu (1). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca.

Thông tin về 10.280 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.266 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4.251), Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa – Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152), Đắk Lắk (128), Khánh Hòa (125), Nghệ An (111), Đồng Tháp (100), Cần Thơ (85), An Giang (75), Bến Tre (65), Kiên Giang (57), Phú Yên (43), Hà Nội (40), Bình Thuận (36), Trà Vinh (34), Sơn La (21), Bình Định (19), Tây Ninh (17), Thừa Thiên Huế (17), Bình Phước (13), Vĩnh Long (10), Bắc Giang (9), Quảng Nam (8 ), Đắk Nông (7), Ninh Bình (6), Quảng Bình (6), Gia Lai (5), Bạc Liêu (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (2), Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1) trong đó có 6.021 ca trong cộng đồng.

Ngày 23/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.

(Ảnh minh họa/chụp màn hình)

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 358.456 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.646 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 354.355 ca, trong đó có 151.838 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang. Có 02 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.

05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (180.245), Bình Dương (73.425), Đồng Nai (18.311), Long An (18.193), Tiền Giang (7.743). Ngày 22/8, một số quận, huyện ở TP.HCM đã bắt đầu thực hiện thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 (test nhanh COVID-19) tại nhà.

Theo kế hoạch, có khoảng 400 trạm sẽ được thành lập và đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh trước ngày 24/8/2021 (giai đoạn 1) và trước ngày 27/8/2021 (giai đoạn 2). Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 người F0.

TP.HCM hơn 42.000 F0 được theo dõi, điều trị tại nhà, hơn 2.500 F0 nặng và nguy kịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến 6h sáng 23/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 42.624 người, trong đó có 21.178 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.446 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

TP.HCM hơn 42.000 F0 được theo dõi, điều trị tại nhà. (Ảnh minh họa)

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.858 người. Các trạm y tế lưu động được trang bị thuốc, trang thiết bị y tế cơ bản, cung cấp các túi thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh cho F0 điều trị tại nhà

Hiện thành phố đang điều trị cho 35.425 bệnh nhân, trong đó có 2.096 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.519 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO.

TP.HCM đưa người lang thang vào cơ sở bảo trợ

Ngày 23/8, thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, đơn vị đang tập trung người xin ăn, sinh sống nơi công cộng, kể cả dạng nghi vấn tâm thần trên địa bàn TP.HCM để đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.

TP.HCM sẽ tập trung đưa hết người ăn xin, lang thang trên đường vào cơ sở bảo trợ xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Đối tượng mới được cán bộ bàn giao phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 (có giá trị trong 48 giờ), đồng thời sẽ được tiếp nhận theo địa chỉ: 30 đường số 5, P. Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (Cơ sở tư vấn và cai nghiện Bình Triệu).

Sở LĐ-TB-XH đề nghị các phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa…

Địa phương kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng nhằm bảo vệ tốt cho sức khỏe và tính mạng của người dân, chú trọng khu vực trung tâm, công viên, trước hiên nhà và tụ tập đông người trên các cầu bộ hành và tại các giao lộ lớn trên địa bàn.