CẬP NHẬT TỐI 21/8: Kỷ lục thêm 13.439 ca mới, Việt Nam hơn 336.700 ca nhiễm, TPHCM kêu gọi người dân ‘thắt lưng buộc bụng’ 2 tuần

Việt Nam hơn 336.700 ca nhiễm, TPHCM kêu gọi người dân ‘thắt lưng buộc bụng’ 2 tuần, Shipper không được hoạt động ở 8 quận huyện TP. HCM

Bộ Y tế tối 21/8 ghi nhận thêm có 11.321 ca mắc mới COVID-19, Bình Dương bổ sung thêm 2.118 ca (từ các ngày trước) do đó, trong ngày 21/8 ghi nhận vào hệ thống của Bộ Y tế là tổng 13.439 ca nhiễm. Đến nay tổng số ca nhiễm của Việt Nam là 336.707 ca, trong đó có 7.450 ca tử vong. Số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị chưa chuyển số liệu về.

(Ảnh minh họa)

Thông tin về 13.439 ca nhiễm mới: Bình Dương bổ sung 2.118 ca (do lấy mẫu các ngày trước) và 11.321 ca mới ngày 21/8 gồm: TP. Hồ Chí Minh (4.084),Bình Dương (4.505), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1) trong đó có 7.428 ca trong cộng đồng.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái. Có 03 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.

05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839), Tiền Giang (6.575).

Từ 0h ngày 22/8, tỉnh Bình Dương nâng mức giãn cách xã hội với 11 phường ở TP Thuận An và thị xã Bến Cát, với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà”. Triển khai đợt 2 về chiến lược xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. Qua đó nhằm quét triệt để F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời tập trung vào khâu thu dung, điều trị, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Sau 7 ngày thực hiện “cách ly nhà với nhà”, thành phố Đà Nẵng quyết định kéo dài thêm 3 ngày nữa để thực hiện chiến lược tách F0 khỏi cộng đồng. Trong thời gian này, Thành phố tiếp tục chiến lược xét nghiệm toàn diện 3 lần cho đại diện 100% hộ dân.

Shipper không được hoạt động ở 8 quận huyện TP. HCM, công chức đi làm trước 8h sáng

TPHCM vừa có quy định cụ thể các đối tượng được phép ra đường sau 0 giờ ngày 23/8.

Theo đó, từ 00 giờ 00 ngày 23 tháng 8 năm 2021 đến ngày 6 tháng 9 năm 2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 00 giờ ngày 23/8/2021.

(Ảnh minh họa)

Cách thức nhận diện giấy ra đường như thế nào?

Mẫu Giấy đi đường thực hiện theo mẫu hướng dẫn của thành phố. Về đồng phục, các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác sẽ mặc áo nhận diện do Thành phố cấp.

Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định; riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận.

TPHCM kêu gọi người dân ‘thắt lưng buộc bụng’ 2 tuần

Người dân đang đổ ra đường mua lương thực, thực phẩm gia tăng nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm dịch COVID. Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM khẳng định sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ và kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng” 2 tuần cao điểm chống dịch.

Dân đổ ra đường đi mua sắm. (Ảnh chụp màn hình)

TPHCM cam kết sẽ cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng nên sáng 21/8 tình trạng người dân ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hóa.

Big C Gò Vấp như “vỡ trận” vì quá đông người dân đến mua hàng vào sáng 21-8. (Ảnh chụp màn hình)

Tình trạng trên đang gây mất trật tự xã hội, đe dọa trực tiếp nguy cơ lây lan dịch ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân và công tác kiểm soát dịch.

Để thực hiện nghiêm giãn cách, thành phố ra văn bản (số: 2796) quy định từ 23/8 đến 6/9 tất cả các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp của thành phố, của trung ương đóng trên địa bàn thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” (tối đa 1/4 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động) phải có mặt trước 0h 23/8.

(Ảnh chụp màn hình)

Thành phố đảm bảo cung ứng hàng hóa và an sinh xã hội cho người dân, trong đó chia làm hai nhóm vùng xanh và vùng vàng (vùng an toàn nguy cơ thấp) vùng cam và vùng đỏ (nguy cơ lây nhiễm cao).

Với vùng xanh và vùng vàng được chia làm 2 nhóm gồm: Những người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ và có thể chia sẻ với cộng đồng. Đây là nhóm được tự đi chợ 1 lần 1 tuần. Những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ trong 2 triệu gói hỗ trợ từ Trung tâm An sinh. Đơn vị sẽ thực hiện cấp phát gói này chính là tổ công tác đặc biệt. Các gói an sinh sau khi thành phố chuẩn bị xong chuyển xuống quận huyện, phường xã, sau đó chuyển trực tiếp đến người dân việc cấp phát sẽ thực hiện 1 lần 1 tuần.