Bộ Y tế tối 17/8, ghi nhận 331 ca tử vong và 9.605 ca nhiễm mới. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 293.301 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 6.472 ca tử vong.
Thông tin về 331 ca tử vong: tại TP. Hồ Chí Minh (285), Bình Dương (12), Long An (9), Tiền Giang (7), Đồng Nai (6), Cần Thơ (4), Đồng Tháp (3), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1), Vĩnh Long (1). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca.

Thông tin về 9.605 ca nhiễm mới: 10 ca nhập cảnh, TPHCM (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Đồng Nai (298), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Tây Ninh (88), Trà Vinh (79), Bà Rịa – Vũng Tàu (79), Vĩnh Long (76), Phú Yên (71), Hà Nội (61), Bình Thuận (55), Sóc Trăng (44), An Giang (33), Kiên Giang (31), Gia Lai (26), Đắk Lắk (24), Bắc Ninh (20), Hà Tĩnh (19), Nghệ An (16), Bình Định (12), Thanh Hóa (12), Ninh Thuận (11), Quảng Nam (11), Bến Tre (10), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (5), Lào Cai (4), Bạc Liêu (3), Lạng Sơn (3), Lâm Đồng (3), Bình Phước (3), Cà Mau (2), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã hồi phục. Hiện có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng và 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Ngoài ra, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (156.386), Bình Dương (49.833), Long An (15.579), Đồng Nai (14.502), Bắc Giang (5.795).
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Bộ Y tế ra mắt bảng điều khiển tình hình thu dung điều trị COVID-19, sử dụng nguồn dữ liệu từ phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Công cụ này giúp cho Tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế và các bệnh viện dễ dàng tìm bệnh viện còn giường bệnh không oxy, giường bệnh có oxy… để liên hệ chuyển viện cho phù hợp. Các bệnh viện phải liên tục cập nhật tình hình tiếp nhận người bệnh, số giường còn trống… mỗi ngày vào các khung giờ quy định cụ thể là 8 giờ, 16 giờ và 20 giờ.
Bình Dương xấp xỉ 50.000 ca F0, tổng đài 1022 ‘gọi không ai nghe’?
Chiều 17/8, Sở Y tế Bình Dương thông tin, trong 24h qua, địa phương ghi nhận thêm 3.332 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ tư đến nay là 49.833 ca. Trong đó, có 390 ca tử vong.

Theo đó, đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến ngày 22/8 đối với các địa phương thuộc “vùng xanh”, đến ngày 31/8 đối với các địa phương “vùng đỏ”.
Ngoài ra, Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 15/9 đối với các địa phương thuộc vùng nguy cơ cao sau thời điểm nêu trên.
Theo Tiền Phong ngày 17/8, trước phản ánh của người dân về việc Tổng đài 1022 trong tình trạng gọi không được, lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị bố trí nhân viên làm việc “kiệt sức” nhưng cuộc gọi quá nhiều khiến quá tải đường truyền chứ không có việc “gọi không ai nghe”.

Hiện Sở TT&TT Bình Dương đã bố trí đến 47 nhân viên trực tổng đài chia thành nhiều ca.
Ông Lê Văn Khánh – Phó giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương cho biết: “Trong một tuần, tổng đài nhận hàng nghìn cuộc gọi và đã xử lý nhanh, kịp thời. Hệ thống tổng đài kết nối với các đơn vị, do đó sau khi tiếp nhận thông tin, vụ việc liên quan đơn vị, địa phương nào lập tức giải quyết ngay”.
Ông Khánh cho biết thêm, ngoài gọi trực tiếp tổng đài 1022, người dân có thể liên hệ thông qua các kênh Gửi tin nhắn qua Zalo Binh Duong SmartCity; Phản ánh trên App di động “1022 – Bình Dương”; Truy cập Fanpage: Cổng Thông Tin Điện Tử Bình Dương (https://www.facebook.com/websitetinhBinhDuong/); Tương tác trên Viber của Bình Dương là: viber://pa/info?uri=binhduongsmartcity; Truy cập Trang Thông tin điện tử theo địa chỉ: https://1022.binhduong.gov.vn; Gửi thư đến hộp thư điện tử [email protected] Hoặc gọi đến các số điện thoại đường dây nóng của các phường, xã.
Bình Dương xin tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi, Bộ Y tế phản hồi thế nào?
Ngày 17/8, Bộ Y tế đã ban hành Công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc xin chủ trương cho trẻ từ 12-18 tuổi được tiêm phòng COVID-19.

Bộ Y tế có ý kiến như sau: Hiện nay, số lượng thuốc tiêm phòng COVID-19 đang hết sức hạn chế nên cần phải tập trung tiêm cho các đối tượng ưu tiên: lực lượng y tế tuyến đầu phòng, chống dịch; người làm việc trong các cơ sở y tế; quân đội; công an; người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền; các nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam; lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế như các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm bảo đảm lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu…
Theo Bộ Y tế, Chủ tịch tỉnh quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trong trường hợp có điều chỉnh về lứa tuổi tiêm phòng COVID-19, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sau.