Bệnh viện quá tải! bác sĩ F0 cầu cứu suốt 3 tiếng để được nhập viện

Một đồng nghiệp cầu cứu trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm COVID-19, một Giám đốc Bệnh viện ở TPHCM, đã “ngượng mặt” gọi nhiều nơi cầu cứu. Sau hơn 3 giờ khẩn khoản nhờ giúp đỡ, trường hợp F0 là một nam bác sĩ mới được nhập viện.

Sau nhiều lần gọi điện cầu cứu, một bác sĩ là F0 mới được nhập viện. (Ảnh chụp màn hình)

Hàng loạt Trung tâm Hồi sức COVID-19 quá tải, tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày không xuể

Đến ngày 16/8, các trung tâm của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức.. đã đi vào hoạt động. Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trực tiếp điều hành trung tâm cho biết: “Hàng nghìn cuộc gọi đến trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân đang có nhu cầu rất lớn. Ngay sau khi đi vào hoạt động, hôm nay đã tiếp nhận và đưa vào cấp cứu, điều trị hơn 100 bệnh nhân”.

100 giường đầu tiên đưa vào sử dụng đã nhanh chóng đầy bệnh nhân. (Ảnh chụp màn hình)

Trung tâm Hồi sức COVID-19 là nơi cấp cứu bệnh nhân nặng, được tiếp nhận từ các bệnh viện chuyển lên. Để cứu chữa kịp thời cho người bệnh, các bác sĩ không chờ hoàn thiện công trình mới đưa vào hoạt động mới nhận bệnh theo tiến độ hoàn thiện số giường tới đâu nhận bệnh tới đó.

(Ảnh minh họa)

Bệnh tiến triển rất nhanh, chạy đua với thời gian cứu người

Đánh giá về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ trên Tiền Phong: “Bệnh này chuyển biến rất nhanh. Chúng ta phải chạy đua với thời gian để cứu người. Hiện Trung tâm đã lắp và sử dụng bồn oxy lỏng dung tích lớn, đến 20 khối. Theo tính toán, bồn oxy lỏng khi hóa hơi sẽ cho khoảng 13 triệu lít khí oxy. Trong khi đó, tính tối đa mỗi F0 thở oxy dòng cao HFNC mất 70 lít khí oxy/phút, mỗi F0 thở máy mất 150 lít khí oxy/phút.

Trung tâm Hồi sức COVID-19. (Ảnh chụp màn hình)

Theo GS Trần Bình Giang, với số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch hiện tại Trung tâm đang điều trị, bồn oxy lỏng này dùng hơn 1 ngày là hết!

Thời gian tới số giường bệnh sẽ gia tăng, Trung tâm cần lắp thêm bồn oxy lỏng cùng dung tích để chủ động đáp ứng. “Với 40 khối oxy lỏng, nhận đủ bệnh là Trung tâm chỉ dùng khoảng 3 ngày là hết, phải bơm oxy lỏng tiếp. Oxy rất quan trọng để cứu mạng bệnh nhân COVID-19 nặng, nên chúng ta phải có”.

Bồn oxy tại Trung tâm sẽ được lắp thêm để đáp ứng cho nhu cầu điều trị ca bệnh nặng. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng theo lãnh đạo BV Việt Đức, hiện Trung tâm Hồi sức Covid-19 mới có 40 máy thở, 42 monitor theo dõi, khoảng 30 máy thở oxy dòng cao HFNC. Thực tế, thiết bị còn rất thiếu so với số giường bệnh dự kiến.

Bác sĩ F0 muốn vào bệnh viện để nằm cũng không có chỗ!

Một giám đốc Bệnh viện ở TP. HCM nói rằng: “Có lẽ đến bây giờ câu chuyện bệnh nhân mắc COVID-19 chạy khắp thành phố tìm bệnh viện hoặc bệnh nhân chết tại nhà, chết tại cổng bệnh viện không còn là chuyện hư cấu mà là nỗi trăn trở của chính quyền, ban ngành”.

Bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà rất cần được lực lượng y tế hỗ trợ chăm sóc y tế khi có sự cố. (Ảnh chụp màn hình)

Đó là tiếng nói của TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện ở TPHCM, vì chính ông đã trải nghiệm sự thật tang thương đó, cho dù là giám đốc của một Bệnh viện lớn!

Bác sĩ Dung chia sẻ, ông có đồng nghiệp cầu cứu trong tình trạng nguy kịch vì COVID-19, bác sĩ đã “ngượng mặt” gọi nhiều nơi cầu cứu. Sau hơn 3 giờ khẩn khoản nhờ giúp đỡ, trường hợp F0 là một nam bác sĩ mới được nhập viện.

Bs Dung nói: “Sáng qua, tôi tiếp nhận một câu chuyện đau lòng. Bây giờ đến bác sĩ muốn vào bệnh viện để nằm cũng không có chỗ. Cách đây 3 ngày, một anh bác sĩ mà tôi biết có 3 bà dì, một người ở tuổi 65 tuổi, người 78 tuổi và người 85 tuổi đều mắc COVID-19”.

Sau nhiều lần gọi điện cầu cứu, một bác sĩ là F0 mới được nhập viện. (Ảnh chụp màn hình)

Trong đó, người 65 tuổi đã chết tại nhà ở quận 3, bà 78 tuổi đau đớn ôm xác, bà 85 tuổi thì nặng quá, anh bác sĩ đã chuyển đi khắp thành phố nhưng không có bệnh viện nào nhận vì hết giường. Bệnh viện không nhận vì không phải chê hay bỏ bệnh nhân mà là quá tải không còn chỗ để nhận, phải nhờ vả hỗ trợ mới có thể gửi được vào Bệnh viện Nhân Dân 115. Sau khi đưa người dì đi cấp cứu thì đến anh bác sĩ cũng nhiễm bệnh, ở một mình sốt cao.

Nhân viên y tế TP Thủ Đức đưa F0 nguy kịch đi cấp cứu. (Ảnh chụp màn hình)

Bác sĩ Tú Dung kể lại: “Anh ta liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 với hy vọng được nhập viện cấp cứu thì tổng đài nói phải có bệnh viện nhận. Bác sĩ bệnh viện nào nhận cho số điện thoại liên hệ luôn thì mới tới được, sợ nhất là lên xe rồi chạy lòng vòng thành phố mà không ai nhận… nghe mà xót xa. Tôi phải tìm mọi cách để đưa anh bác sĩ F0 này vào bệnh viện bằng tất cả nỗ lực. Thật sự, tôi cũng ‘ngượng mặt’ khi gọi các bệnh viện, gọi các anh em trong ngành. Nhưng có lẽ vì cứu người, vì mình là bác sĩ thì không thể làm ngơ trong hoàn cảnh này”.

Nỗ lực liên hệ từ BS Tú Dung cuối cùng cũng có một người quen của ông làm quản lý tại một bệnh viện đồng ý tiếp nhận người bệnh. “Tôi thật sự mừng như được quà đặc biệt. Bỗng dưng 30 phút sau, anh bác sĩ F0 gọi lại thông báo vào đến cấp cứu mà họ không nhận, quy định là phải có kết quả PCR mới nhận”.

(Ảnh minh họa)

BS Tú Dung thốt lên: “Ôi trời! Cấp cứu COVID-19 mà đòi PCR là sao? Bệnh nhân đang suy hô hấp, đến bệnh viện một mình thì đi đâu để làm PCR. Mà làm PCR thì cả ngày mới có kết quả. Đây là một quy định mà ngành y tế cần xem xét ưu tiên cứu người trong lúc này”.

Sinh mệnh con người là quan trọng nhất

Sau sự việc đó, TS.BS Tú Dung đã mua nhiều vật tư trang thiết bị y tế với 500 máy SPO2, 50 máy bơm tiêm tự động, hàng nghìn khẩu trang và hàng nghìn đồ bảo hộ để tặng cho các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Ông cũng đề xuất Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM cho phép chuyển công năng của Bệnh viện Thẩm mỹ JW sang tiếp nhận, điều trị các bệnh lý khác.

(Ảnh minh họa)

Theo BS Tú Dung, bệnh nhân đang bị “chết ngộp” ngay tại thời điểm được chuyển đến bệnh viện. Ngành y tế cần phải mở thêm các bệnh viện dã chiến ở tầng 2 và tầng 3, các cơ sở điều trị hiện tại cần phải được tăng cường nhân sự và trang thiết bị để cứu chữa người bệnh. Thời điểm bệnh nhân đang nguy kịch nhất vì suy hô hấp cấp chỉ cần được thở ôxy sớm, bệnh nhân có thể thoát khỏi nguy cơ tử vong.

(Ảnh minh họa)

Hơn lúc nào hết đây là thời điểm cần phải “tổng động viên” mọi lực lượng tham gia chống dịch. Phải xem người bệnh như chính thân nhân của mình để cứu chữa, sinh mạng con người mới là thứ quan trọng nhất.

Bác sĩ Tú Dung cùng nhân viên tiếp sức cuộc chiến chống COVID-19 ở tuyến đầu. (Ảnh chụp màn hình TPO)

“Hơn một tuần qua tôi đã bị mất ngủ bởi bản thân nhận quá nhiều hình ảnh đau thương, nhiều cuộc gọi nhờ giúp đỡ nhưng hầu hết đều vượt quá tầm tay”. BS Dung trăn trở.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *