Trẻ em nếu không may bị nhiễm Covid-19, ho sốt lâu ngày làm thương tổn chân âm tân dịch. Các bậc phụ huynh chớ lo lắng, trong Đông y có nhiều phương thuốc và món ăn bổ mát hỗ trợ chữa Ôn dịch, chứng hậu COVID-19 hiệu quả.
Trong Đông y, sau khi trẻ khỏi Covid-19 nếu vẫn còn biểu hiện ho khan, ho cơn thở mệt là do Phế âm hư. Nếu trẻ miệng khô khát, đại tiện táo là do vị nhiệt. Trẻ mệt mỏi gầy gò, nóng về đêm, bứt rứt khó ngủ là do can thận âm hư. Đông y còn cho rằng bệnh tật phát sinh từ sự thiếu cân bằng âm dương. Còn nếu cơ thể nội nhiệt (nóng) dễ gây tích nhiệt viêm sưng nặng hơn, chữa trị kéo dài ngày hơn.
Dưới dây là các bài thuốc đông y tham khảo của Lương y Nguyễn Minh Phúc – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu– được đăng trên trang thông tin của Bộ Y tế.
Bài thuốc cho trẻ sau khi khỏi Covid-19 vẫn còn ho khan đau họng – Tả bạch tán:
“Tả bạch tán”: Hoàng cầm, tang bạch bì, cát cánh, bạch linh, xuyên bối mẫu, mạch môn, địa cốt bì, tri mẫu, đại táo mỗi vị 10-12g. Phối hợp bạc hà, cam thảo, sinh khương mỗi vị 6-8g. Sắc uống ngày 1 thang. Trẻ nhỏ dùng liều bằng một nửa người lớn. Trẻ lớn có thể tăng gấp rưỡi liều trẻ nhỏ.

Tác dụng: Thanh phế nhiệt, dưỡng âm, bình suyễn, tuyên phế, chỉ khái…
Gia giảm: Nếu ho mệt gia sa sâm. Ho đàm nhiều qua lâu nhân, trần bì. Nếu cầu táo khó gia hạnh nhân…
Kiêng kỵ: Không dùng cho chứng phế hàn, ho đàm loãng, gặp lạnh ho tăng. Hoặc đang lạnh bụng, tiêu chảy.
Món ăn- hỗ trợ: Canh rau má nấu thịt lợn băm; canh cải cúc cá thát lát hoặc canh cải cay; củ cải, rau hẹ nấu canh với thịt, cá đều tốt. Ngoài ra nên cho trẻ uống nước mía, bột sắn dây, nước mơ, nước ép sơ-ri, quít, chanh, bưởi trái cây tươi.
Bài thuốc trên dùng tốt cho trẻ em đang nhiễm ôn dịch, hậu COVID-19 có biểu hiện ho khan, sốt, thở khó, ho cơn mặt đỏ, họng khô viêm. Kèm theo đàm vàng, hoặc có mũi vàng hoặc xanh, đau đầu, cầu táo, tiểu vàng, nhiều mồ hôi. Khi phế nhiệt được thanh giải, là âm được tư dưỡng, tạng phế tuyên thông. Các chứng liên quan nhiệt phế âm hậu COVID-19 sẽ nhanh khỏi.

Bài thuốc -“Thanh nhiệt cứu âm tiễn”: Trẻ biểu hiện miệng khô khát, táo bón, gầy sút khó tăng cân (vị nhiệt)
Bài thuốc: Sinh địa, tri mẫu, thạch cao, thiên hoa phấn, mạch môn, nhân sâm, xích thược, đơn bì, kim ngân, liên kiều, mỗi vị 10-12g. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi dùng liều một nửa hoặc một phần ba người lớn. Trẻ lớn bệnh nặng tăng liều hơn. Sắc uống ngày 1 thang.
Tác dụng: Thanh nhiệt dưỡng âm, sinh tân, trừ nhiệt tà lưu lại… Trị chứng nóng nhiệt gầy sút, ăn được vẫn gầy sút, táo bón, da khô sần, nổi mụn phát ban, miệng hôi, lợi sưng đau. Tỳ vị là gốc hậu thiên, sinh huyết, khi vị nhiệt được thanh thì tỳ sinh huyết, tâm điều huyết, can tàng huyết điều huyết. Trẻ sẽ ăn ngủ tốt, tăng cân, các chứng liên quan tỳ vị nhiệt hậu COVID -19 cũng nhanh khỏi.
Kiêng kỵ: Không dùng cho chứng tỳ vị hư hàn lạnh bụng tiêu lỏng, phế hàn hoặc cảm lạnh ho đàm loãng nước mũi trong.
Món ăn hỗ trợ: Canh bí đao thịt vit; canh khổ qua nhồi thịt, nấm mèo, đậu phụ. Hoặc canh mướp, mồng tơi, cua đồng nấu canh. Nên cho trẻ uống nước mía, nước dưa hấu, nước ép trái cây tươi… Tránh ăn vị khô mặn cay nóng khó tiêu.

Bài thuốc – “Lục vị địa hoàng hoàn”: Trẻ gầy gò, nóng bứt rứt khó ngủ (Can thận âm hư)
Bài thuốc: Thục địa 20g, sơn thù 10g, hoài sơn 10g, phục linh 8g, đơn bì 10g, trạch tả 10g. Sắc hoặc làm hoàn uống.
Tác dụng: Bổ thận, dưỡng can, thanh vị dưỡng âm… Thích hợp cho trẻ em âm hư nội nhiệt, về đêm nóng bứt rứt khó ngủ ra nhiều mồ hôi. Kèm theo tóc khô thưa rụng, da sần nổi mụn phát ban… Khi thận âm đủ thì can khí tự nhiên thư thái, từ đó tỳ được tự dưỡng. Vậy thì can tàng huyết, tỳ sinh huyết, tâm điều huyết mạch. Trẻ sẽ ăn ngon ngủ tốt, chứng hậu ôn dịch, COVID-19 nhanh khỏi.
Gia giảm: Người còn sốt, đau họng, da nổi mụn, tiểu vàng gắt, gia tri mẫu, hoàng bá. Nếu ho khan, đêm khó ngủ nhiều mồ hôi gia mạch môn, ngũ vị tử. Nếu hay đau đầu, khó tập trung, gia cúc hoa, câu kỷ tử.
Kiệng kỵ: Không dùng cho chứng tỳ thận dương suy, ăn lạnh hay đau bụng đầy bụng tiêu chảy.
Món ăn thuốc hỗ trợ: Canh rau ngót cá rô; canh hoa lý thịt lợn băm; canh ngao nấu hẹ. Hoặc canh cải soong thịt băm, đậu đen đậu xanh hầm hoặc nấu chè ăn đều tốt.
Ngoài ra, các phụ huynh cần tránh các món mặn khô cay nóng như, thịt cá kho mặn, nướng, đồ hộp, thịt nguội… Tránh cho trẻ ăn thịt bò, dê, chim, gà cũng như động vật bổ dương (nóng) dễ gây tích nhiệt có thể sốt kéo dài ngày hơn.
Bên cạnh đó, đông y còn có 3 món cháo hỗ trợ điều trị “ôn bệnh”, giảm triệu chứng COVID-19 cho cả người lớn và trẻ nhỏ

Đông y cho rằng “ôn bệnh”, còn gọi ngoại cảm ôn tà, dễ bị tổn thương đến phần âm “tân dịch”, phép trị vừa giải nhiệt tà vừa cố giữ đến phần âm. Người bệnh nên ăn các món bổ mát giải nhiệt tà, ức chế vi khuẩn virus phát triển.
1.Cháo đậu xanh: Dùng chi người bệnh mới bị sốt ho, ho khan, thở mệt nghẹt mũi, mạch phù sác.
Cháo đậu xanh: Đậu xanh cả vỏ 100g, nước, gia vị, đường hoặc muối vừa đủ hầm nhừ ăn ngày vài lần. Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt mát; tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát, sinh tân dịch giải tất cả các chất độc, trừ phiền nhiệt lợi ngũ tạng… Vỏ đậu giải nhiệt độc, sáng mắt.

Món ăn bổ mát dễ tiêu giàu dưỡng chất tăng cường kháng thể rất thích hợp với người đang sốt cao hoặc hết sốt còn mệt mỏi đề kháng kém, trẻ em, người lớn ăn kém hư nhược khó tăng cân, người đang bị đái tháo đường, tăng huyết áp dùng đều tốt.
Gia giảm: Nếu sốt ho nhiều kéo dài, thêm 80g lá dâu tươi non nấu lấy nước vừa đủ nấu với đậu. Nếu sốt cao co giật thêm 80g búp lá tre tươi nấu lấy nước bỏ bã nấu với đậu xanh. Nếu sốt, miệng khô khát, phối hợp uống nước sinh tố trái cây như nước mía, bột sắn dây, nước mơ, nước dâu, sơ ri, quít, chanh, bưởi đều tốt.
Lưu ý: Khi đang sốt ôn bệnh không nên ăn món khô cứng nóng khó tiêu, hạn chế ăn nhiều thịt, đạm động vật,… tuy bổ dưỡng nhưng khó hấp thu, dễ tích nhiệt làm sốt cao hơn kéo dài ngày hơn.
2.Cháo đậu đen: Dùng chi người bệnh sốt cao, ho đau đầu, miệng khát, nhiều mồ hôi, mạch hồng, sác .

Cháo đậu đen: Đậu đen 100g, nước vừa đủ nấu nhừ cho thêm muối, đường, gừng, gia vị vừa đủ, ăn ngày vài lần.
Theo đông y, đậu đen vị ngọt mát khí êm không độc, tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt sinh tân, chỉ huyết, giải độc… Cháo đậu đen rất thích hợp duy trì phục hồi sức khỏe với người sốt cao mất tân dịch nóng bứt rứt. Cháo đậu đen hỗ trợ điều trị ôn bệnh giai đoạn sốt cao, ho đau đầu, miệng khát, nhiều mồ hôi…
Gia giảm: Nếu sốt cao, nhức mỏi nhiều, tiểu vàng ít do tích nhiệt, thêm rau má tươi, cát căn (sắn dây) rễ cỏ tranh, mỗi thứ 60-80g. Các vị nấu lấy nước bỏ bã, hầm đậu ăn ngày vài lần. Nếu sốt cao miệng khô khát phối hợp cho uống nước bột sắn dây, hoặc nước dừa, nước cam, nước chanh, nước trái cây tươi đều tốt.
Lưu ý nếu đang sốt cao đột ngột tay chân giá lạnh mồ hôi đầm đìa do “thoát dương”, lúc này cần dưỡng âm ích khí liễm hãn.
3.Cháo gạo tẻ nhân sâm: Dùng cho người bệnh sốt kéo dài, tâm phiền nhiệt, về đêm nóng bứt rứt…
Cháo gạo tẻ nhân sâm: Gạo tẻ 80g, nhân sâm 20g, lá tre 40g, mạch môn 20g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, thạch cao 20g. Các vị nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo nấu cháo ăn ngày vài lần.

Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh “Gạo tẻ có vị thơm ngọt tính bình, dưỡng vệ điều vinh, đại bổ cơ thể, nhờ đó làm nguồn sống. Đây là bài Trúc diệp thạch cao thang gia giảm dùng rất tốt thời kỳ bệnh hồi phục, khí âm hư, nhiệt tà còn lưu lại; hoặc trẻ em sốt nhẹ kéo dài; người mắc chứng “Thoát dương” đang sốt cao đột ngột tay chân giá lạnh mồ hôi đầm đìa.